22/08/2013

ƯỚC MƠ CUỐI CÙNG CỦA BÉ


                                                                                :: Như Sao

Một người mẹ trẻ cố gắng hoàn thành ước vọng
 cuối cùng cho cậu con trai sáu tuổi sắp lìa đời.
 Câu chuyện thật là cảm động. Và đây cũng là điều hiếm có trong đời.
 Ngoài ra, nó còn cho ta thấy trong thế giới chúng ta hiện đang có mặt, vẫn còn nhiều con người có tấm lòng
 nhân ái và biết sống đẹp.

 

Người mẹ trẻ, mới 26 tuổi, cúi xuống nhìn đứa con trai đang yếu dần vì bệnh bạch cầu giai đoạn chót. Mặc dầu tim cô trĩu nặng nỗi buồn, cô vẫn giữ quyết tâm phải làm mọi việc cho con. Như bất cứ người mẹ nào, cô muốn con mình lớn lên và thực hiện được những ước mơ của nó. Giờ đây thì không được nữa rồi. Chỉ vì căn bệnh bạch cầu quái ác. Thế nhưng cô vẫn muốn ước mơ của con cô trở thành sự thật.

Cô cầm lấy bàn tay con, hỏi: “Bobsy ơi, có bao giờ con nghĩ lúc lớn lên con sẽ làm gì không? Có bao giờ con ước mơ điều gì cho đời con?”

-“Mẹ ơi, con mong lớn lên con sẽ làm người lính cứu hỏa.”

Người mẹ trẻ mỉm cười với con và nói: “Để mẹ xem  có thể làm gì để thực hiện ước muốn của con.” Chiều hôm ấy, cô đi tới Sở cứu hỏa Phoenix, Arizona, và gặp một nhân viên cứu hỏa tên Bob. Ông ta lắng nghe cô với sự thông cảm sâu xa.
 Khi nghe cô trình bày ước vọng cuối cùng của đứa con trai và xin cho con cô được một lần ngồi trên chiếc xe màu đỏ chạy vòng quanh khu phố, ông ta nhìn cô với ánh mắt xót thương và tỏ ý mong muốn được giúp cô. Ông nói: “Tôi có thể làm hơn thế nữa ấy chứ. Vậy cô về chuẩn bị cho bé sẵn sàng vào lúc bảy giờ sáng Thứ Tư này, chúng tôi sẽ cho cháu làm người lính cứu hỏa danh dự của chúng tôi nguyên cả một ngày. Cháu sẽ đến đây, cùng ăn với chúng tôi và tham dự vào tất cả những chuyến xe đi cấp cứu trong ngày. Và xin cô cho chúng tôi ni tấc của bé, chúng tôi sẽ thực hiện ngay cho cháu một bộ đồng phục với đôi ủng và chiếc nón của người lính cứu hỏa có cả phù hiệu Đội Cứu Hỏa Phoenix y như chúng tôi vậy.” 

Ba hôm sau, nhân viên cứu hỏa tên Bob đến đón bé Bobsy, mặc cho cháu bộ đồng phục và đưa cháu từ giường bệnh ra chiếc xe màu đỏ của Đội. Bobsy được đưa lên ngồi phía sau xe và xe về Sở cứu hỏa. Khỏi phải nói, bé Bobsy sung sướng như được lên thiên đường.

Có tất cả ba chuyến cấp cứu ở thành phố Phoenix ngày hôm ấy và Bobsy được tham dự cả ba. Bé được ngồi trên những chiếc xe cứu hỏa khác nhau -kể cả xe cứu thương và xe của chỉ huy. Hơn thế nữa, bé còn được quay video cho bản tin trong ngày của thành phố. 
                                                   photo  www.google.com

Được thấy ước mơ của mình thực hiện, trong tình thương tràn đầy và sự quan tâm, Bobsy hết sức cảm động và bé được sống thêm ba tháng nữa so với dự đoán của các bác sĩ.

Một đêm, khi tất cả dấu hiệu của sự sống hoàn toàn suy sụp ở Bobsy, người nữ điều dưỡng trưởng không muốn bé chết đi trong sự cô đơn bèn cho gọi tất cả thân nhân đến bên giường bé. Rồi chợt nhớ cái hôm Bobsy được làm lính cứu hỏa, bà gọi cho ông chỉ huy trưởng và hỏi ông có thể nào gửi một nhân viên mặc đồng phục tới với bé Bobsy khi bé sắp sửa ra đi. Viên chỉ huy cho biết ông sẽ thực hiện đầy đủ. Đoạn ông nói với bà nữ điều dưỡng trưởng: “Xin bà cố gắng giúp tôi. Trong vòng năm phút nữa chúng tôi sẽ đến. Khi nghe tiếng còi hụ và đèn chớp sáng, xin bà báo cho toàn thể bệnh viện biết đây không phải là một vụ hỏa hoạn đâu, mà là do Sở cứu hỏa muốn đến chào từ biệt một nhân viên thân yêu của mình lần cuối cùng. Và xin bà nhớ để cửa phòng của cậu bé mở cho chúng tôi. Xin cảm ơn bà.”

Chỉ khoảng năm phút sau, một chiếc xe cứu hỏa tới nối cầu thang lên tới phòng của Bobsy ở tầng ba, rồi thì mười bốn người lính cứu hỏa cùng hai nữ nhân viên bước vào phòng. Với sự đồng ý của người mẹ trẻ, họ ôm Bobsy vào lòng, bày tỏ tình thương yêu sâu đậm đối với bé. 
                                                   photo www.google.com


Phút cuối cùng, bé Bobsy ngước nhìn viên chỉ huy và hỏi: “Thưa sếp, bây giờ cháu đã trở thành người lính cứu hỏa thực thụ rồi, phải không ạ?”

Viên chỉ huy đáp: “Đúng vậy đó, bé Bobsy ơi.”

Nghe những lời ấy, bé Bobsy mỉm cười lần cuối và nhắm mắt lại

Như Sao - theo Jack Canfield và Mark V. Hansen





5 comments:

  1. Tôi đã khóc khi đọc bài văn này, khóc vì tình mẹ yêu con, khóc vì tình người, khóc vì một ước mơ nhỏ nhoi. Đôi khi có những mơ ước rất bé bỏng nhưng vẫn khó thực hiện, chúng ta hay nói lên mơ ước của mình, hãy nghe những mơ ước của thân nhân, của bạn bè , và hãy cố gắng thực hiện cho dù chỉ là chút ít, nhưng cũng đủ sưởi ấm con tim của những người chung quanh mình

    ReplyDelete
  2. Thùy Dung ( QLD)23 August 2013 at 23:53

    Bài viết buồn quá, lòng mẹ thật vĩ đại, cố gắng thực hiện ước muốn nhỏ bé của con mình, ngưỡng mộ lắm thay

    ReplyDelete
  3. con trai tôi cũng qua đời cách đây hai năm, cũng với căn bịnh này và cũng khoảng tuổi này, nhưng tôi chỉ cố gắng bên cạnh cháu càng nhiều càng tốt, và chỉ biết cầu nguyện trong tuyệt vọng, tôi chỉ có khóc và khóc chứ không chấp nhận nỗi đau đang đến, tôi đã không giúp cho cháu hoàn thành một ước mơ, càng nghĩ càng hối hận , khi cháu thật yếu cháu cầm tay tôi thỏ thẻ" đừng khóc nữa mẹ" tôi đã không đem đến cho cháu nụ cười cuối đời, có phải tôi đáng trách lắm không ?

    ReplyDelete
  4. Chị Thanh Hằng tâm sự "tôi đã không đem đến cho cháu nụ cười cuối đời, có phải tôi đáng trách lắm không ?" Không hẳn như vậy chị ạ, mỗi gia đình có những hoàn cảnh khác nhau...Lúc đó tinh thần suy sụp,lo lắng ,bấn loạn đâu còn tâm trí đâu mà nhớ đến ước mơ.
    Tôi cũng từng trải qua trường hợp nầy,lúc tôi 20 tuổi, chị tôi khoảng 22 , ở VN bệnh đến 10 tháng mới khám phá ra bệnh ung thư. Buồn phiền lo lắng cùng cực đâu có nhớ gì đến ước mơ hay nụ cười cuối đời.
    Xin chị tạm quên và đừng nghĩ mình đáng trách .Mình đã cố gắng hết sức mà không kết quả thì cứ tự an ủi tại số phần thôi.

    ReplyDelete
  5. Xin chia buồn với Thanh Hằng, thật ra không có chuyện đáng trách ở đây, mọi dân tộc thể hiện lòng yêu con khác nhau, người phụ nữ Tây Phuơng họ có lối sống mãnh mẽ nên họ chấp nhận sự thật, khi con họ đã không còn cách cứu chữa thì họ tìm cách giúp cho con họ sống những ngày cuối đời vui vẻ. Ngược lại người phụ nữ Á Đông của mình thì bản tánh yếu mềm và không chấp nhận đầu hàng nghịch cảnh, còn nước còn tát, nên mình sẽ cố gắng bằng mọi cách cứu con mình dù tuyệt vọng, chỉ thật sự buông tay đầu hàng khi không thể làm gì được hơn, cho nên việc hằng cầu nguyện cho con, khóc vì nghĩ đến ngày chia xa, tiếp tục hy vọng trong tuyệt vọng cũng là bản chất của người phụ nữ Á Châu mình mà thôi. Kim Nguyễn cũng trải qua những tháng ngày ngồi lặng lẽ bên giường bịnh của con mà cầu nguyện mà khóc ngay cả Bác Si cũng không lạc quan , nhung Kim vẫn hy vọng và cuối cùng thì sự hy vọng của Kim đã thành hiện thực, nên rất khó mà thấy người mẹ VN mình gục ngả đâu Hằng ạ

    ReplyDelete