23/07/2013

PHIM LỒNG TIẾNG


                                                                                        :: Ben Trần::
       Tôi không biết phim Hàn Quốc nó thâm nhập vào cộng đồng Việt Nam từ lúc nào. Nhưng tôi nhớ phim Hàn Quốc đã thâm nhập vô gia đình tôi hơn bảy năm nay. Sở dĩ nó thâm nhập vào gia đình tôi dễ dàng là nhờ nghệ thuật lồng tiếng của các công ty bên Mỹ lồng tiếng quá hay.

Lồng tiếng là kỹ thuật mới có sau nầy. Khi xưa ta coi phim Pháp, Phim Mỹ đa số họ đều phụ đề Việt Ngữ mà tuổi trẻ của mình rất mê, vì với những người nghe được tiếng Pháp tiếng Anh họ thưởng thức luôn ngôn ngữ gốc của truyện phim kể cả những lời nhạc trong phim. Có lợi đôi đàng.

                                                   photo  www.india-forums.com

Với sự lồng tiếng ,các chuyên viên cắt bỏ phần âm thanh gốc và ghi âm mới với những ngôn ngữ mình muốn. Công ty làm ăn khá nhất gần đây với những phim Hàn Quốc là Vina Entertainment  bên Mỹ, trong nhóm nầy có MC  Việt Thảo và nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh…Công ty Vina làm phần lồng tiếng rất hay.

 Ta lấy tiêu chuẩn  nào để kết luận một phim lồng tiếng hay ? Theo thiển ý của người viết bạn cần có ba yếu tố:

1/ Người dịch: người dịch phải thật giỏi,trình độ văn chương cao để viết ra những câu văn hay,viết theo ngôn ngữ gốc, ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ.

2 / Người đọc: đọc hay, rõ ràng và phải diển tả đúng tất cả những cảm xúc hỉ nộ ái ố của từng  nhân vật trong phim. Lúc khóc, lúc cười, lúc than vắn,lúc thở dài…đúng y chang nhân vật trong phim đang diễn.

3/ Kỹ thuật : Người đọc phải phát âm đúng lúc nhân vật mở miệng, không ngắn hơn không dài hơn. Lúc thở vắn,lúc than dài, lúc ngáp,lúc ho…phải  phát ra âm thanh như thật để lồng vào. Tựa như người ca sĩ hát nhép, ca sĩ phải mở miệng đúng lúc âm thanh bên trong phát ra và khi âm thanh dứt môi cũng ngưng không còn nhấp nháy nữa.

Phần kỹ thuật  nói nghe đơn giản nhưng xem ra rất khó, bạn cắt phần âm thanh của phim gốc; nhưng có những đoạn phim chứa vài bản nhạc cổ điển, nhạc Pháp, nhạc Anh…  người lồng tiếng phải đưa vô lại nguyên  văn bản nhạc , công việc không phải dễ.


Ba yếu tố nầy phải kết hợp nhuần nhuyễn, chỉ cần một trong ba công đoạn nầy hỏng là toàn bộ một tác phẩm nghệ thuật sẽ mất giá trị.

Người viết xin nêu một thí dụ một bộ phim Hàn Quốc rất hay mà gia đình chúng tôi xem đi xem lại năm sáu lần mà không chán.Bộ phim được công ty Vina dịch và lồng tiếng tựa là “Lá ngọc cành vàng”. Nội dung rất hay,kết cục có hậu.

Chuyện phim xoay quanh một gia đình trung lưu có già có trẻ sống quây quần giúp đở lẫn nhau. Trình độ của người dịch thuật  trong bộ phim nầy thuộc vào hạng siêu đẳng. Cả những người đọc để ghi âm cũng rất hay, gần 15 nhân vật trong truyện đều có 15 giọng đọc khác nhau…vì vậy khi bạn coi, bạn không có cảm tưởng đó là phim lồng tiếng và bạn thưởng thức trọn vẹn nội dung của phim.

 Cùng bộ phim nầy bà xã tôi về Việt Nam du lịch hai tuần xem đài truyền hình Việt Nam chiếu chuyện phim nầy và  họ dịch tựa là “Gia đình đá quý”. Mà thật sự các nhân vật trong truyện có tên là Hồng Ngọc,Bích Ngọc, Kim Cương,Ngọc Trai, Cẩm Thạch. Về kỷ thuật thì sao? Họ thuyết minh tức là dùng hai người để đọc ,ôi thôi nghe nhàm chán vô cùng. Một câu chuyện hay như thế mà bị phần thuyết minh nó hủy hoại mất 50% cái hay của câu chuyện  rồi.

Những năm đầu thập niên 80 phim lồng tiếng Hồng Kong bắt đầu xuất hiện cho người Việt hải ngoại. Có thể có những phim hay, nhưng một lần tôi vào tiệm Video được giới thiệu bộ phim Hồng Kong “ Trái tim bể nát”. Nghe tên phim tôi đoan chắc là do người Tàu Chợ Lớn dịch qua  Việt ngữ rồi. Sao họ không dịch là “trái tim tan vỡ” nghe có vẻ văn hoa hơn không? Nếu lời tựa dịch như vậy thì nội dung chắc không khá gì hơn.Tôi đã không có thiện cảm với phim Tàu từ đó.


 Tôi nhớ hồi còn học lớp 12 có người bạn giới thiệu tôi quyển sách mà anh ta mới mua được,anh khen là hay, rất hay. Sách có tựa là “Uyên ương gãy cánh” và được dịch từ bản tiếng Anh là “Broken wings” Tôi ngầm thán phục vị dịch giả Nguyễn Ước. Trong chữ broken wings  không có gì hàm chứa  uyên ương cả, vậy mà vị dịch giã nầy đặt ra uyên ương gãy cánh thật hay ,thật hấp dẫn.

 Với phong trào chán ngán phim trong nước, người Việt hải ngoại đổ xô xem phim lồng tiếng của  Hàn quốc, Trung quốc …bạn xem phim cũng có nghĩa là bạn thưởng thức tác phẩm nghệ thuật đó, nếu người dịch quá tệ thì bạn không thâu tóm hết những giá trị thực sự của nó.Thật là uổng tiền và uổng thì giờ của bạn.

Bạn nên tìm xem bộ phim “Lá ngọc cành vàng” do Vina Entertainment  lồng tiếng bảo đảm bạn sẽ không tiếc tiền…

 Các bạn nào có kinh nghiệm về cách lồng tiếng của phim kiếm hiệp Trung Quốc xin góp ý. Người viết không có xem nhiều các phim kiếm hiệp Trung Quốc,xin nhường phần nầy cho các quí vị phụ nữ.

Ben Trần

21/7/2013

2 comments:

  1. Đúng đó anh Ben, nếu xét về chất lượng các phim Hàn Quốc hay hơn các phim Đài Loan và Trung Quốc.Các tay viết truyện,các đạo diễn cũng rất tuyệt vời.Bây giờ phim Hàn quốc cũng từ từ xâm chiếm thị trường Nhật Bản nữa đó nhe.

    ReplyDelete
  2. Theo tôi biết thì về phần kỹ thuật khi lồng tiếng không phải làm lại các âm thanh khác. Kỹ thuật làm phim hiên đại cho phép bộ phim có những đường ghi (track) riêng dành cho hình, âm thanh nền, nhạc nền, tiếng, v.v... Như trong DVD sẽ có nhiều đường cho tiếng, mỗi đường cho một ngôn ngữ do đó mình có thể chọn ngôn ngữ mình muốn nghe. Khi lồng tiếng cũng vậy chỉ có đường tiếng nói là bị thay thế, các phần khác vẫn giữ nguyên.

    ReplyDelete