26/10/2014

Bác sĩ Victor Chang, người tiên phong trong nghành giải phẩu ghép tim của Úc Châu

                                                      ::Ben Trần
Bài viết hôm qua về vụ ghép tim người chết vào cơ thể người sống được thực 



hiện tại Victor Chang Cardiac Institute thuộc bệnh viện St Vincent’s Hospital ,Sydney. Có bạn hỏi về tiểu sử BS Victor Chang và tại sao ông chết ? Hôm nay xin có vài hàng về ông bác sĩ tài ba nầy.

Victor Chang gốc người Tàu sinh năm 1936 ở Thượng Hải, năm 1937 chiến tranh  xảy ra và theo sau là thế chiến thứ hai,gia đình ông dọn đến Hồng  Kông. Năm 1948 gia đình ông di dân đến Úc Đại Lợi. Năm 12 tuổi ông chứng kiến người mẹ bị đau đớn vì bệnh ung thư và mất năm 33 tuổi.Ông quyết chí theo đuổi nghề y,hầu mong giúp người tránh được những bệnh tật và đau đớn.

Mặc dù học không xuất sắc ở bậc tiểu học,đến vùng đất mới, học ngôn ngữ mới ở bậc trung học ông cũng cố gắng vào được đại học y khoa Sydney năm 1956. Đến cuối năm 1962 tốt nghiệp Y khoa với hạng danh dự.

Năm 1963 vào làm việc tại St Vincent Hospital ,Sydney; tại đây ông gặp bác sĩ chuyên khoa về tim là Mark Shanahan và mong muốn được học theo BS Shanahan về tim mạch.

 Năm 1965  BS Victor Chang được gởi sang Anh Quốc để tu nghiệp thêm chuyên môn về  giải phẩu tim.

Năm 1967 BS Christiaan Barnard  lần đầu trên thế giới giải phẩu ghép tim người tại Capetown, Nam Phi. Cuộc giải phẩu không thành công.

 Các nước trên thế giới Mỹ, Nhật, Úc , Anh… tiếp tục thử nghiệm.

 Năm 1968 tại Sydney,  Bs Shanahan, BS Pye và  Bs Harry Windsor (trưởng nhóm) tiến hành thay tim thành công tuy nhiên người bệnh nhân nầy chỉ sống được có 6 tuần với quả tim mới. Bên Anh, BS Victor Chang háo hức theo dõi từng bước một cuộc giải phẩu nầy. ông yêu cầu Mark Shanahan gởi phúc trình cho ông từng chi tiết nhỏ để ông học hỏi.

Trở về Úc năm 1972, ông làm việc cùng BS Mark Shanahan tại bệnh viện St Vincent và tiếp tục đẩy mạnh chương trình thành lập viện giải phẩu tim lớn nhất của Úc châu.

Năm 1984 cá nhân Bs Victor Chang giải phẩu ghép tim thành công cho 1 bệnh nhân 39 tuồi tên Neville Apthorpe. Và 5 tuần sau đó ông giải phẩu ghép tim cho em bé gái 14 tuổi, Fiona Coote ,bệnh nhân trẻ nhất lần đầu trên thế giới được thay tim.

Nếu tính từ năm 1984 đến khi ông chết 1991 Bs Victor Chang đã thực hiện đến 585 ca mổ tim và phổi( trung bình mổi tuần có 2 cuộc giải phẩu Tim hoặc phổi ). Lúc nầy tiếng tăm ông vang lừng khắp thế giới. Nhóm của ông cũng đang nghiên cứu chế tạo tim nhân tạo.

Ông chết ngày 4 tháng Bảy 1991 trong sự thương tiếc của mọi người khắp Úc châu và nhiều nơi trên thế giới từng nghe đến tên ông.Ông thọ 55 tuổi.

 Sau khi ông qua đời trung tâm giải phẩu nầy được đặt tên là Victor Chang Cardiac Institute  để vinh danh ông.

                                                      Dr Victor Chang

Cái chết của nhân tài nầy xảy ra như thế nào?

Chiều ngày 4/7/1991 hai tên cướp gốc Mã Lai tên Chiew seng Liew và Choon Tee Lim dự định bắt cóc ông để tống tiền. Hai tên cướp lái xe theo ông đến vùng Mosman, phía bắc Sydney, chỉ cách nhà ông độ năm phút lái xe thôi. Hai tên cướp giả vờ cho xe đâm vào đuôi xe ông bác sĩ. Hai bên quẹo xe vô con đường nhỏ bên cạnh để dàn xếp,thương lượng… Bước xuống xe ông bác sĩ bị ngay 2 tên côn đồ định bắt ép ông cho vào xe của chúng. Hai bên giằng co qua lại, tên Chiew Liew nổ súng. Viên đạn đầu tiên bắn qua má bên phải trổ ra bên tai trái. Viên thứ hai mới kết liễu đời ông. Viên thứ hai bắn ở tầm gần ngay trán xuyên qua óc.

Ngay tối hôm đó coi Tivi ai là người Việt Nam cũng nhột nhạt, vì các phóng viên tung hô lên cảnh sát đang tung lực lượng lớn để truy lùng hai tên tội phạm có vóc dáng Á Châu. Các phóng viên đề cập đến vùng Cabramatta (miền tây Sydney) nơi các băng đảng đang lộng hành. Và vùng nầy lại là nơi dân tỵ nạn Việt chiếm đa số. Sau nầy người viết mới biết cảnh sát tung tin hỏa mù để đánh lạc hướng kẻ sát nhân. Bọn sát nhân tưởng cảnh sát tập trung vào băng đảng Việt Nam, để chúng nó thờ ơ thì sớm muộn gì cũng sa lưới.

Sau khi bắt được thủ phạm rồi báo chí mới cho tin cảnh sát có lượm được ví giấy tờ của tên sát nhân đã làm rớt nơi hiện trường trong lúc hai bên giằng co xô đẩy nhau.

Hai ngày sau cảnh sát Úc biết được, tên cướp dùng giấy tờ người khác mua vé máy bay và bay về Mã Lai từ phi trường Melbourne, cách Sydney khoảng một ngàn cây số ! Thế là cảnh sát biết được tên tuổi kẻ sát nhân mà ra tay chậm hơn. Chậm nhưng vẫn có kết quả. 

Một tuần sau cảnh sát chìm và cảnh sát liên bang Úc bắt được tên cướp tại thủ đô Mã Lai và xin dẫn độ về Úc.

Theo sự khai báo của tên sát thủ kế hoạch nầy được thảo ra bởi người thứ ba tên là Stanley Ng,(cùng quốc tịch). Kế hoạch là tìm cách theo tới nhà bắt ông ta và cả gia đình trói lại và dọa treo cổ bác sĩ Chang cho đến khi nào ông chịu xì ra 3 triệu đô thì thả. Tuy nhiên tên Stanley Ng lại hủy bỏ kế hoạch nầy vì hai lý do: Ở Úc không ai giử số tiền lớn trong nhà, nếu ra nhà băng rút số tiền 3 triệu cũng bị bắt nốt. Kế hoạch bị hủy bỏ mà hai tên đàn em tham lam vẫn tiến hành sau đó vài ngày. Và chính tên Choon Tee Lim cung cấp súng cho tên Liew bắn.

Trước tòa ,tên chánh phạm, Chiew seng Liew lãnh 36 năm tù. Thọ án được 21 năm tên nầy xin ân xá vì lý do sức khỏe( bị bệnh Parkinson ,tay chân run rẩy nặng ), sau nhiều lần đệ đơn xin ân xá, hắn được ân xá cho về nước tháng 10/2012.
Tên tòng phạm , Choon Tee Lim lãnh 24 năm tù, được ân xá sau 19 năm thọ án. Và bị tống về nước tháng 3/2010.
Tên bày đầu Stanley Ng được miễn tố.

Năm 2001, con gái ông  là Venessa  Chang cho xuất bản quyển sách nói về cha mình mang tựa đề “Victor Chang  A Tribute to My Father” .Quyển sách bán chạy như tôm tươi !!!

::Ben Trần

( Sydney  )
                                                         Dr Victor Chang

1 comment:

  1. Cám ơn anh Ben Trần về chi tiết cái chết của một nhân tài, ông mất là niềm đau đớn cho nước Úc và thế giới, Bác sĩ chỉ biết cứu người, thất là đáng tiếc quá, tìm đâu một nhân tài như thế ???

    ReplyDelete