21/01/2015

Tôi và thời gian ( phần 2 )

                               :: Kim Nguyễn ::
Những ngày đầu tháng tư Quốc hận là những ngày mà không chỉ riêng tôi ,ai ai cũng hoang mang , tinh thần suy sụp, ngơ ngác không biết mình sẽ ra sao trong cuôc sống sau này.



Ba tôi và toàn thể quân nhân binh lính đang điều trị tại Tổng y viện Cộng Hòa luôn cả y tá , bác sĩ ,đều bị đuổi ra khỏi bịnh viện dành chỗ cho binh lính của kẻ thắng trận. Trong lúc hỗn quân hỗn quan, các em trai tôi đã vào kho quân y lấy một chiếc xe lăn và những thuốc men cần thiết cho ba tôi và đẩy ông về nhà.
Tôi cũng không biết mình phải làm gì với những ngày trước mắt, lúc đó mọi quân nhân đều phải ra trình diện và đi cải tạo 10 ngày , ai cũng nghĩ 10 ngày nhanh chóng thôi, nhưng thật không ngờ với cú lừa ngoạn mục đầu tiên của người miền bắc dành cho người miền nam, sĩ quan các cấp đã ra đi biền biệt có người gửi nắm xương tàn nơi rừng sâu nước đôc.

Ba tôi “ may mắn” là thương phế binh nên được miễn đi tù , nhưng cũng phải học tập tại địa phương 10 ngày, trong 10 ngày đó em trai tôi ngày nào cũng đẩy ba tôi ra phường nghe giáo huấn dù ông thở không nổi .
Ba tôi trong thời gian tại chức là một quân nhân liêm chính nên tuy là một sĩ quan cao cấp ngành công binh nhưng không có một căn nhà riêng cho bản thân cùng gia đình, căn nhà chúng tôi đang ở là căn nhà được chính phủ cấp cho khi ba tôi còn tại chức. Sau 75 trở về căn nhà của mình thì cũng bị đuổi ra bởi đó là tài sản của chính phủ. Thế là sau những tháng năm miệt mài phục vụ trong quân ngũ ba tôi giờ đây chỉ còn hai bàn tay trắng và chiếc xe lăn làm của cải cuối đời.

Cũng may khi đó tôi đã lập gia đình và vợ chồng tôi có căn nhà riêng ở Nguyễn thiện Thuật, tôi đã đem tất cả cha mẹ và em út về ở cùng chúng tôi.
Và tôi đã bắt đầu xăn tay áo lao ra đời để nuôi sống cha mẹ và các em tôi, vợ chồng tôi gom hết của cải còn sót lại sau ngày cưới mua một chiếc xe nước mía .
Từ sáng sớm tinh mơ, tôi bỏ con gái còn bú sữa mẹ ở nhà cho em gái và mẹ tôi lo , ra chợ chọn mua từng cây mía ngọt về bán, chồng tôi sau thời gian cải tạo cũng được về sớm vì anh không phải là Pilot chỉ là cơ khí nên ít nợ nhân dân hơn , anh mua xe đạp cũ về tân trang chùi bóng lại cho mới để cạnh xe nước mía bán . Năm đó tôi chỉ mới có 23 tuổi , nhờ có chút nhan sắc và buôn bán vui vẻ nên xe nước mía của chúng tôi rất đông khách , có lẽ vì vậy mà cán bộ phường để mắt tới bắt chúng tôi dẹp vì “ lấn chiếm lòng lề đường” . 

Bán chiếc xe nước mía đi vì phường khóm làm khó dễ không buôn bán gì được, chúng tôi chưa biết làm gì để sống thì ba tôi vì thấy gia đình lam lũ, vợ con vất vả nên ông không muốn mình là gánh nặng của gia đình đã bỏ ăn mà qua đời.
Tôi đã khóc hết nước mắt bởi ông tuy nằm đó nhưng là nghị lực giúp tôi đứng lên gồng gánh cưu mang mẹ và các em, nay ông đi rồi tôi thật thấy mình vô cùng chơi vơi hụt hẫng. Tiền bán chiếc xe nước mía lo ma chay cho ba tôi xong thì chẳng còn gì nữa, tuy gia đình lúc đó vô cùng khó khăn nhưng ba tôi là người mà tôi yêu quý nhất trên đời , nên tôi dồn tiền mua chiếc hòm quý giá cho ông , là hành trang của con gái dành cho ba những ngày cuối cùng tiễn biệt, và cũng là chút thương yêu cảm tạ ba đã dành hết đời mình cho con gái.

Thế rồi đợt đổi tiền đầu tiên cho toàn dân miền nam, giàu nghèo gì cũng chỉ có 200 đồng , trong nhà có bao nhiêu vét hết ra mà lấy 200, vợ chồng em út nhìn nhau không biết sống ra sao với số tiền “ to lớn “ đó.
Thật là lo âu và bối rối, chúng tôi đã ăn gần hết số tiền mà cũng chưa biết làm gì, cuối cùng tôi đành muối mặt , nấu nồi bún bò bán cho khách bình dân trong xóm ăn sáng, trời cho tôi cái khiếu , hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ, tôi nấu bún bò thật ngon, buồi sáng đem ra đến trưa là hết loáng. 

Nhưng giòng sông có bao giờ êm ả, bọn phường khóm lại đến quấy rầy, thằng công an khu vực bắt tôi phải có giấy kinh doanh , đóng thuế nêu không thì dẹp. tôi cũng lên phòng kinh doanh xin giấy kinh doanh nhưng họ bác đi và kết luận “ con cháu mỹ ngụy không được cấp giấy phép”, quá mệt mỏi tôi dẹp nồi bún bò không bán nữa.
Các em tôi lúc đó đều còn đi học, cô em gái thứ hai ngoài giờ học thì phụ bán cà phê cho một người quen , cậu em trai thứ ba học lớp 9, cô út còn học tiểu học.

Lúc này tôi có thai đứa thứ hai, gia đình tuy khó khăn nhưng chồng tôi vì bản tính con nhà quan ( ba anh ấy ngày xưa là tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa) nhất định không chịu hạ mình làm việc của người bình dân, cậu anh ấy khi đó là một hộ gia đình giàu có, tôi xin cậu ấy cho tôi về làm việc nhà kiếm tiền lo cho gia đình, mỗi ngày chồng tôi chở tôi đến nhà ông ấy giặt giũ quần áo cho các con ông ta, cơm nước , dọn dẹp nhà cho họ, chòng tôi thì đạp xe đi mua thuốc và giao thuốc cho khách hàng vì ông ấy có cửa hàng thuốc tây. Còn nhớ khi đó bụng tôi to lắm gần ngày sanh, có hôm làm việc xong đi bộ về nhà chân bị vọp bẻ đau đớn phải ngồi thở dốc ở vệ đường cả tiếng mới đi nổi.

Ngay đêm giao thừa tôi chuyển bụng sanh, lúc đó cả nhà đang xếp hàng chờ mua gạo mua thịt cho ngày tết, tôi ở nhà chuyển bụng và một mình mang giỏ quần áo đi sanh. Vào Từ Dũ ghi trong hồ sơ “ đi sanh một mình” , thằng bé thứ hai kháu khỉnh ra đời trong thời buổi nhiễu nhương loạn lạc bần khổ đó.
Nhưng thằng bé này ra đời có lẽ là ngôi sao chiếu sáng cho gia đình chúng tôi. Tôi chỉ cho thằng bé bú sữa mẹ đúng hai tháng thì hết sữa vì tôi suy dinh dưỡng, nhà không có tiền mua sữa cho con nên đành cho thằng bé uông nước gạo pha đường, quần áo giường tủ trong nhà khi tôi ở cữ cũng từ từ đội nón ra đi.

Nhìn chồng con, mẹ và các em cực khổ tôi quá sức đau lòng , thầm nghĩ không lẽ cuộc đời mình chấm dứt nơi đây.??? Cuối cùng tôi bàn với chồng ra chợ trời xem có gì làm được thì làm...........
( Mời các bạn theo dõi tập 3 )

2 comments:

  1. Đã quen biết gia đình cô Kim NGUYỄN khi cô còn đi học, sự liêm chính của Bác trai tôi biết rất rõ, bác là một tấm gương mà tôi nghĩ bất cứ một người quân nhân nào cũng đều nên học hỏi, Bác thương yêu cấp dưới, hiền lành ít nói, thương gia đình và nhất là tuy bác là sĩ quan cao cấp trong quân đội nhưng bác sống rất thanh đạm nếu không muốn nói là nghèo, bác chỉ biết lãnh lương và sống với đồng lương hạn hẹp trong quân ngũ. Tôi xin nghiêng mình trước vong linh bác và tỏ lòng ngưỡng mộ Bác đời đời

    ReplyDelete
  2. Cám ơn anh Tư có lòng ngưỡng mộ ba em, nhờ tấm gương trong sáng thanh bạch của ông mà tụi em lớn lên cho dẫu có bị vùi dập trong bùn nhơ vẫn là những đóa hoa sen cao quý đó anh ạ, ba em luôn dạy tụi em là giấy tuy có rách vẫn giữ lấy lề tụi em không bao giờ quên được , ông ;là tấm gương mà tụi em phải soi mỗi ngày trong cuộc sống , có đôi khi quá tuyệt vọng , em thường đứng hàng giờ trước bàn thờ ông mà xin một tia sáng, có lẽ ông hiển linh nên sau đó em vẫn có lối thoát cho chính mình

    ReplyDelete