04/01/2014

Người phu xích lô 51 năm trước

                                                                               ::Phan Quang Tuệ::


 *Bạn thân,*
 
 Tôi muốn kể hầu bạn một câu chuyện mới xẩy đến cho tôi trong mùa
 Giáng Sinh năm nay. Ngày 24, một ngày trước Giáng Sinh, tôi nhận
 được một thiệp Giáng Sinh làm tôi ngạc nhiên.



 Thiệp viết như sau: “Kinh thẩm phán Phan Quang Tuệ. Em được biết
 thẩm phán khi còn ở Vietnam. Thẩm phán đã về hưu, em thấy trong
 facebook nên để lại message nhưng không thấy thẩm phán trả lời. Xin
 xem lại message em đã gởi. Em,..., đã gặp trong đêm khuya trên đường Phan Thanh Giản. Kính chúc thẩm phán có mùa Noel và năm mới với nhiều sức khỏe cùng quý quyến.”

 Tôi để tấm thiệp lạ kỳ này qua một bên, trên bàn giấy trong phòng
 làm việc. Vợ tôi thường để tất cả thiệp Giáng Sinh trên một bàn
 nhỏ gần cây thông Giáng Sinh trong phòng khách. Tối hôm ấy vợ
 chồng tôi, các con trai, con dâu, cháu nội quây quần trong buổi tiệc
 gia đình mừng Đấng Cứu Thế ra đời. Chúng tôi mở quà, chơi trò
 chơi “white elephant”. Mãi đến khuya tiệc tàn, các con cháu ra về.
 Tôi giúp nhà tôi dọn dẹp.

 Sáng hôm sau tôi dậy trong khi nhà tôi còn yên giấc. Tôi vẫn thích
 không khí yên tĩnh trong nhà trong buổi sáng tinh sưong. Tôi xuống
 dưới nhà, vào phòng giấy, đem tấm thiệp ra ngồi trước computer.
 Tôi vào facebook và sau một lúc tìm ra được lời nhắn viết cho tôi
 từ giữa tháng 9. Quả thực tôi đã vô tình không đọc lời nhắn này
 trên facebook.

 Và đây là lời nhắn gởi cho tôi đề ngày 18 tháng 9, 2013. Tôi ghi
 lại nguyên văn và để y nguyên cách viết:

 “Kính chào Thẩm Phán Phan Quang Tuệ. Em đã tìm Thẩm Phán hơn 30 năm nay (vị Ân Nhân của em!). Em xin gợi lại kỷ niệm. Lần gặp đầu
 tiên trong đêm khuya trên đường Phan Thanh Giản, Saigon (1962…?). Em là đứa 15 tuổi, đạp xe xích lô đã chở Người Ân Nhân về nhà (sát
 cạnh chợ Bà Chiểu) lúc đó cửa sắt trước nhà của Bác Sĩ Phan
 Quang Đán bị chính phủ Ngô Đình Diệm niêm phong! Trên đường em chở vị ân nhân này về nhà, em được khuyên bảo: ‘Em còn nhỏ mà phải
 sống vất vả quá vậy, em cố gắng học nghe, ba của anh, bác sĩ
 Phan Quang Đán đang bị chính phủ Ngô Đình Diệm bỏ tù nên anh không có cơ hội giúp em được nhiều, nhưng… Vừa bước xuống xe, ông anh Đẹp Trai móc hết các túi, tìm tiền cho em hết! Ráng học giỏi
 nghe em…’
                                              photo  waterbuckpump.com
 
 Với lời nói Chân Tình khuyên bảo đó, và cử chỉ thân thương, mãi
 mãi còn trong tim óc của em! Từ đó em được “thành công”... em bị
 động viên khóa 3/68 Thủ Đức (huynh trưởng khóa 2/68 Thủ Đức).
 Em đến Mỹ qua tàu Trường Xuân (rời Bến Bạch Đằng, Saigon, chiều ngày 30/4/1975, chưa từng về Việt Nam bao giờ.)
 
 Thứ Bảy, 15/9/2013 anh HQB đến nhà em từ Portland, em tâm sự về dịp gặp Ân Nhân khi đạp xe xích lô ở Saigon với số tiền Ân Nhân cho và
 lời khuyên bảo đáng quý nên em mới được như ngày hôm nay. Anh B.
 nói rằng anh đã được gặp Huynh Trưởng Thẩm Phán rồi, em mừng
 quá, liền hỏi số điện thoại của Huynh Trưởng Thẩm Phán nhưng anh
 không nhớ.
 
 Em có vợ và 2 con trai, cả hai tốt nghiệp từ Georgia Tech; một đứa
 dạy chemistry tại trường này, một đứa làm kỹ sư cho công ty Boston
 Consulting Group, vợ làm manager, pharmacist, có con gái hơn 8 tháng; gia đình 2 đứa đang sống tại Atlanta.
 
 Nếu Huynh Trưởng đọc được những dòng chữ tâm huyết này, xin gọi
 em gấp để em mừng sau nhiều năm tìm kiếm Huynh Trưởng Thẩm Phán.
 
 Nguyện xin ơn trên trả công bồi hậu cho tất cả gia đình của Huynh
 Trưởng Thẩm Phán qua nhiều công đức mà Huynh Trưởng đã làm cho em trước đây 51 năm.
 
 Kính chào vị Ân Nhân đáng kính.
 
 Em,...”

 Tôi đã liên lạc với người này sáng nay. Chúng tôi đã chuyện trò
 trên điện thọai cả tiếng đồng hồ. Được biết sau lần gặp nhau đêm
 hôm ấy, người thiếu niên 15 tuổi đã chuyên cần đèn sách. Cậu đổ
 tú tài ban B (Tóan). Sau Tết Mậu Thân người thanh niên nhập ngũ
 khóa 3/68 Thủ Đức (tôi nhập ngũ khóa 2/68). Vì giỏi toán, ông chọn ngành Pháo Binh. Ông trở thành Sĩ Quan Pháo Binh. Năm 1972 ông
 được gởi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ và mãn khóa trở lại Việt Nam
 tiếp tục phục vụ trong ngành Pháo Binh.
 Ngày 30-4-1975 Ông rời Việt Nam trên tàu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Luỹ.
 Tại Hoa Kỳ, hiện nay Ông là công chức tại một quận hạt. Bà làm
 công chức cho tiểu bang. Ông bà có bà con ở San Jose. Con cái thành đạt.
 
 Chuyện xẩy ra cách đây đã 51 năm. Lúc ấy tôi vừa tròn 20. Ba tôi
 bị giam ở Côn Đảo sau cuộc đảo chánh 11-11-1960. Sau một thời gian
 trốn tránh ở nhà bố mẹ của Vương Quốc Cường (sau này là chánh
 án Quảng Ngãi), tôi trở lại trường Luật, vừa học vừa dạy ở một
 trường tư thục, kèm thêm mấy người con của nhà triệu phú Nguyễn
 Đinh Quát. Mỗi ngày tôi đi xe Buýt Vàng để trở về ở Bà Chiểu.
 Khi nào qúa khuya, không còn xe Buýt, tôi đi xích lô. Và tôi đã gặp
 người thiếu niên đạp xích lô này một buổi tối trên đường Phan
 Thanh Giản.
 Câu chuyện đặc biệt không phải ở hành động cử chỉ
 của người sinh viên 20 tuổi, mà ở tư cách cùa người thiếu niên 15
 tuổi. Đối với tôi chính người này mới là ân nhân, sứ giả của
 niềm tin trong Muà Giáng Sinh. Và tôi đã nói như vậy qua buổi tiếp
 xúc trên điện thọai lần đầu tiên giữa ông bà này với vợ chồng
 chúng tôi.
 
 Câu chuyện của tôi, của chúng tôi, tuy là một chuyện giữa hai cá
 nhân, nhưng mang một ý nghĩa, về lòng tin, định mệnh, và đời
 sống. Tôi nghĩ câu chuyện nên đưọc chia sẻ. Vì thế tôi xin mạn
 phép gởi đến các bạn câu chuyện như một qùa Giáng Sinh.
 
 *Phan Quang Tuệ*
(viết trong mùa Giáng Sinh 2013)

1 comment:

  1. Thôi thì đừng nhằc đến quá khứ nữa, hãy nỗ lực vì cuộc sống tốt đẹp hơn
    …………………………………..
    Sao Mai Việt Nam – Nhà sản xuất xe xích lô trẻ em chuyên nghiệp.
    Click để xem thêm chi tiết: xe xích lô trẻ em chất lượng cao. hoặc xe xich lo tre em chat luong cao.

    ReplyDelete