20/03/2015

Cái chết của cây !

   :: Nguyễn Đình Bổn ::
- Hơn hai mươi năm trước ra Hà Nội, mình thích những hàng cây xà cừ trên đường Láng, nhưng đặc biệt thích những hàng cây trên các con đường nhỏ như Chu Văn An, nó giống những con đường nhỏ trong nội ô Sài Gòn.


 Hai mươi năm sau, Sài Gòn chặt cây khu vực Bến Thành, cảng Ba Son... người Sài Gòn buồn đứt ruột, nhìn nhựa cây như máu chảy. Khi đó chắc người Hà Nội chưa thấm được nỗi buồn này, cho đến hôm nay. Đúng vậy, cho đến hôm nay nếu ai yêu Hà Nội nhìn hàng loạt hàng cây lớn bị đốn hạ một cách tàn nhẫn, sẽ thấm thía cái nỗi buồn mà người Sài Gòn thương khóc vì bất lực trước sự tham tàn nhưng nắm trong tay quyền lực của kẻ mạnh. Đất nước từng mệnh danh là xứ sở của rừng bây giờ đã không còn rừng, không còn cây rừng thì người ta đốn cây phố thị bởi không thể lý giải được vì sao phải đốn hằng loạt những cây cổ thụ đang sống, mà không phải cây nào cũng "phục vụ cho phát triển"!

- Nghĩ về cây lại nhớ một truyền thuyết xa xưa về một đất nước đã biến mất trên bản đồ thế giới. Từng có câu chuyện kể rằng Huyền Trân, một công chúa đời nhà Trần, khi lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân thường bị một chứng bệnh lạ hành hạ. Bà thường đau bụng và luôn nằm mơ thấy có một "thần cây" ám mình. Trong cấm thành nước Chiêm thuở đó, quả là có một cây thần của vương quốc. Chế Mân cực kỳ yêu quí Huyền Trân nên dù biết cây thần là linh vật bảo hộ quốc gia vẫn ra lịnh giết cây. Ông sai các vệ sĩ đốn cây nhưng bất kỳ ai đưa rìu lên đều bị thần vật ngã. Chế Mân bất chấp tất cả, đích thân dùng rìu vàng chặt vào thân cây. Một dòng máu đỏ phun ra, bắn vào mặt nhà vua. Từ ngày đó cây thần chết và Chế Mân cũng phát bệnh rồi băng hà, sau này vương quốc Chiêm cũng bị Đại Việt thôn tính và xóa sổ!
Ngày hôm nay tôi đi trên những con đường đầy nắng đỏ, ở đâu cũng thấy cái chết của cây như một lời nguyền!
:: Nguyễn Đình Bổn ::

No comments:

Post a Comment