23/05/2013

Ngày của mẹ



                                                                                              ::Ben Trần
Hôm nay ngày của mẹ. Tôi có dịp viết cho mẹ, cũng là lần đầu tiên mình viết về mẹ. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Nếu bắt đầu từ lúc mẹ gặp ba hay ba gặp mẹ thì truyện nầy chắc dài như truyện kiếm hiệp Kim Dung.
Nhớ mãi lần mang thai đầu tiên của mẹ. Mẹ kể, theo chồng về quê sống tuốt
vùng biển mặn Bạc Liêu. Vùng biển xa chợ, không có bán một thứ gì. Lúc đó bào thai đã năm tháng và càng ngày càng lớn, mẹ thèm ngọt vô cùng. Mẹ dặn ba đi làm về nhớ mua cho mẹ chuối ép phơi khô. Mẹ liên tưởng ăn chuối ép khô uống ngụm nước trà vào là khoái khẩu làm sao. Ba tôi có chiếc đò máy đưa khách từ xã Vĩnh Trạch ra Bạc Liêu. Buổi chiều, khi nghe tiếng đò máy ở bờ sông, mẹ tôi đi ra hy vọng đón nhận món quà “xa xỉ” đó. Nhưng không, ba quên mua rồi. Mẹ bật khóc, khóc như đứa trẻ lên năm. Khóc như đứa trẻ không có quà khi mẹ đi chợ về… Khóc mà không hề mắc cỡ là đàn bà đã có chồng. Ông nội tôi thấy vậy, ngay chiều hôm đó đi tìm mua chuối về ép, làm chuối nướng thoa mỡ hành ăn ngon nhớ đời.
Tôi nghe mẹ kể chuyện nầy tôi thương mẹ vô cùng. Và cũng thương cho các bà mẹ Việt Nam, ở vùng quê khi mang thai đâu được chăm sóc đúng mức. Đến lúc có vợ rồi tôi mới biết, từ khi bắt đầu mang thai là sản phụ phải đến bệnh viện khám thường kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe. Gần ngày sanh phải đến bệnh viện hai tuần, rồi một tuần một lần. Bác sĩ sẽ thử máu xem thai phụ đang thiếu loại sinh tố gì trong người và cho uống thuốc thêm. Hay phải ăn thêm loại rau trái nào. Mẹ tôi sống vùng quê ven biển, cá tép tôm cua thừa mứa; nhưng rau xanh rất hiếm, trái cây thì tùy theo mùa. Khi bào thai phát triển nó sẽ tiêu thụ rất nhiều chất bổ dưỡng từ người mẹ, làm cho người mẹ cảm thấy thèm món nầy món kia. “Thèm” tức là cơ quan thần kinh đánh tín hiệu cho người sản phụ biết đang thiếu vài loại sinh tố nào đó. Những bà mẹ sống ở nông thôn không hiểu điều nầy chỉ biết thèm món nầy, món kia…




Đến ngày tôi lớn đi học xa nhà, nhớ lại tôi càng thương mẹ tôi hơn. Ba năm rưỡi lên học Cần Thơ là thời vàng son của tôi. Tạm gọi là vàng son vì cuộc đời sinh viên trước 75, vừa học vừa chơi; ít lo lắng gì kể cả tiền bạc. Hầu như cứ mỗi hai tuần là mẹ lên thăm. Mẹ tôi lên thăm là mẹ xét ví, hết tiền mẹ để vô thêm. Mẹ dặn, hai ngăn ví rõ rệt: ngăn nầy tiền để xài, ngăn trong phải để dành khi bệnh đi bác sĩ hãy dùng đến. Vậy mà lần sau mẹ lên thăm hai ngăn ví đều cạn láng. Trước khi về mẹ thường làm một nồi thịt kho trứng để dành cho con trai cưng ăn ba bốn ngày mới hết.
Rồi ngày 30/4/75 mọi sự đầu tư cho con trai của mẹ tan thành mây khói. Một ngày tháng 6 năm 79 mẹ ráng bậm môi ngăn nước mắt để nhìn con trai mẹ xuống thuyền ra đi… Tiếp theo là những tháng ngày hồi hộp, chờ mong. Chờ hơn sáu tháng để biết tin con sống chết ra sao. Thì ra thằng hiệu trưởng khốn nạn đã ra lệnh cho ông phát thư ém nhẹm những thư từ con gởi về. Thử nghĩ nếu con cháu bạn đi xa ba bốn tuần bạn không nhận được tin tức gì, bạn lo lắng biết chừng nào? Mẹ tôi phải sống trong nỗi sợ hãi trông đợi suốt hơn sáu tháng trời. Người đi không biết sống hay chết, người ở lại lo âu, chờ tin tức. Nếu chết không biết chết ra sao, nếu còn sống không biết sống nơi nào? Làm sao lập bàn thờ. Thỉnh thoảng mẹ thường lai vãng những vùng quê ven biển, hứa sẽ trả tiền cho ai đó lượm được giấy chứng minh nhân dân của con bà; vì nghe đồn xác các người vượt biên trôi dạt vào bờ biển khá nhiều… Rồi cuối cùng mẹ cũng đã nhận được thư. Gần một ký lô thư từ Úc gởi về được bưu điện tỉnh cho phép nhận. Mẹ như hoàn hồn sống lại.
***
Rồi một đêm cuối năm 1984 mẹ cùng gia đình quyết định bỏ phiếu bằng chân đi tìm tự do. Các chị em mẹ can ngăn vì nghĩ đến nguy hiểm trên đường đi. Nhưng mẹ quyết định: “Con tôi sống đâu, tôi phải sống ở đó. ” Đi vượt biên đường bộ, thập phần nguy hiểm. Có nhiều lần phải giả câm giả điếc ,chỉ để người dẫn đường nói chuyện. Có nhiều nỗi sợ hãi chất chồng… Sợ gặp phải Khmer Đỏ, gặp bộ đội Việt Nam, gặp cướp, gặp mìn… Nhóm người đi chung với ba mẹ dùng đến nhiều phương tiện di chuyển: xe đò, tàu đò, xe đạp chở mướn… phải qua hàng chục nút chận, trạm xét… Còn lại sáu cây số cuối cùng gần biên giới Thái Miên, sáu cây số đường rừng sinh tử. Mẹ không đạp mìn, không gặp cướp, không gặp Khmer Đỏ mà gặp lực lượng Para. Lực lượng nầy do cựu thủ tướng Son San lãnh đạo (họ tự nhận là Khmer tự do). Phe nầy vừa đối đầu với cộng sản Việt Nam, vừa chống chọi lại Khmer Đỏ. Nhóm nầy có khoảng 5% người Việt gốc Miên tham gia. Nhờ vậy mà khá nhiều người Việt tỵ nạn đường bộ được lực lượng nầy tha thứ và thoát nạn. Nhóm người của mẹ tôi chỉ bị bắt lại khoảng hơn tám giờ mà tưởng chừng như tám ngày dài đăng đẳng. Mẹ tôi sắp chết trong rừng nhiệt đới vì khát nước, vì bị nhóm lính ô hợp nầy lục soát lấy hết nước! Họ không chú trọng vàng hay tiền mà chú trọng nước và thực phẩm. Mười giờ đêm nhóm lính nầy được lệnh lên đường đi hành quân. Tên trưởng nhóm tha cho mọi người. Đúng là “ lời cầu kinh đã có Người nghe …”. Họ khuyên nên ngủ lại trong rừng, sáng hôm sau hãy theo đường mòn mà đi về hướng biên giới. Ngày hôm sau nhóm người tỵ nạn chọn đúng những căn liều của Cao Ủy có sơn hình chữ thập đỏ trên nóc mà xin vô.
Một năm sau ba mẹ tôi được đặt chân đến Úc đoàn tụ. Nghĩ lại cuộc đời mẹ tôi buồn nhiều hơn vui. Phải nhận nhiều khổ não hơn là hạnh phúc. Giờ đây mẹ đã trên tám mươi tuổi. Tôi thường tự hứa với lòng, sau nầy cố gắng không để mẹ phải sống những ngày buồn bã trong viện dưỡng lão. Lạy Chúa, lạy Phật xin cho tôi đủ sức mạnh để tôi giữ được lời hứa với chính mình.
Tôi chợt nhớ lời kinh Phật in trên bìa lịch cũ năm xưa:
“Tần tảo sớm hôm, mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy, cha che chở đời con.
Ai còn mẹ,
Xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”

Ben Trần.
Tháng 5-2013


No comments:

Post a Comment