24/05/2013

Nỗi đau không chỉ là thể xác.

                                                                               :: Tóc Huyền
                                                                               (Austin, Texas )

Những lúc đi nhà thờ, đi chợ, đi bác sĩ, gặp các bà các cô đang bầu bì ì ạch, lúc nào tôi cũng nở nụ cười thân thiện, cảm thông với họ. Có nhiều người thai nghén dễ dàng, nhưng tôi không được vậy mà lại nằm trong nhóm “thiểu số” phải vật vã từ những ngày tháng đầu tiên.
***

Lúc tôi biết mình có mang Cọp Con, nó đã được… 9 tuần! Sáu tháng đầu, dù tôi uống biết bao nhiêu thuốc chống ói, vẫn bị nôn ít nhất một lần mỗi ngày. Ba tháng sau cùng, vì bị “gestational diabete” (tiểu đường trong thời kỳ thai nghén) nặng quá, bà bác sĩ sản phụ khoa gởi tôi qua một ông “perinatologist” (perinatal specialist) để điều trị, hướng dẫn và theo dõi chế độ ăn uống của tôi cùng sự phát triển của Cọp Con những tháng cuối thai kỳ.
Mỗi hai tuần, tôi phải vác mạng đi “thăm” ổng, bốn tuần cuối thì “thăm” mỗi tuần, và lần nào cũng có siêu âm xem con lớn thêm đến đâu, và… bị dũa te tua mấy lần vì “tham” thèm ăn sầu riêng, mít, chè,… nên lượng đường trong máu lên quá cao. Mỗi ngày tôi đều phải thử máu bốn lần kiểm tra “glucose”, chích tay suốt 3 tháng nên ngón tay này chưa lành thì ngón kia đã te tua. Riết rồi hết ngón để chích… tôi định chích luôn ngón chân nhưng sợ phải đi cà nhắc nên thôi!


(Hình minh họa: Getty Images)

Tôi cũng phải ghi chép tất cả mọi thứ mình ăn uống trong ngày vào cái “sớ” để hàng tuần gửi về cô “dietitian” của văn phòng đó theo dõi. Vậy là không được “ăn cho hai người”, vừa đã không ăn được trong sáu tháng đầu, lại phải “nhịn thèm” luôn trong ba tháng cuối! Mỗi ngày chỉ còn ăn được một nắm cơm, nên đi qua đi lại nhìn nồi cơm mà muốn rớt nước mắt.
Cọp Con dù bị sinh mổ sớm hai tuần nhưng không đến nỗi thiếu cân, dù mẹ nó chỉ tăng tổng cộng có 24 pounds, được Apgar scores 8/10 & 9/10, và… khóc to nhất trong sáu đứa trẻ sơ sinh ra đời trong bệnh viện RRMC cuối tuần đó! Cọp Con khóc to đến nỗi suốt bốn ngày trong bệnh viện, hễ Cọp Con khóc là các cô y tá phải đem đi “trả” cho mẹ nó, vì nếu không là năm đứa kia sẽ thức và khóc theo thì không đủ y tá để dỗ dành.
Những tuần cuối, Cọp Con thẳng chân đạp cú nào là đáng cú đó, gặp lúc đang lái xe trên freeway thì tôi chỉ còn nước “Ouch, đau quá”, rồi đặt tay vỗ về “dụ khị” cọp con, “Chờ chút nghe con, yên nghe con, sắp tới rồi!”
Một lần, lúc vừa lê chân vô thang máy để lên tầng lầu có phòng mạch của ông “perinatologist” đó, bị Cọp Con thụi một cú đau điếng, tôi khom người rồi cảm thấy như muốn lả đi, nên tựa vô tường cho vững. Tôi nghe tiếng của người phụ nữ cùng bước vào thang máy với tôi, hỏi:
“- Are you alright?” (Cô có sao không?)
“- Yeah.. She kicks so hard! I’m a little tired.” (Ừm... Bé đạp mạnh quá! Tôi mệt chút thôi)
“- Believe me, I want to be that tired. Don’t worry, you’ll be fine. She’ll be here soon…” (Tin tôi đi, tôi cũng muốn sự mệt mỏi đó đó. Đừng lo lắng nghe, cô sẽ khỏe thôi. Không lâu nữa bé sẽ chào đời...)
“- Yeah, Thank you.” (Ừm, cám ơn cô.)
Vừa lúc cửa thang máy mở, tôi bước ra hành lang và quẹo trái để đi tới, và không thấy người phụ nữ kia nữa. Cho đến khi tôi rời văn phòng bác sĩ, đi trở lại hành lang cũ để đứng chờ thang máy. Kề bên thang máy là một phòng mạch chuyên khoa khác. Sau lần cửa kính trong suốt, đề tên một bác sĩ chuyên khoa về IVF (in vitro fertilisation - thụ tinh trong ống nghiệm) nổi tiếng trong vùng Central Texas, tôi nhìn thấy người phụ nữ ấy lặng lẽ ngồi, tóc dài nâu đen hơi rũ một bên lên trang tạp chí mở dở nửa chừng.
Dáng ngồi lặng lẽ, lọt thỏm của người phụ nữ trong chiếc ghế ấy đã trở lại với tôi nhiều lần, những khi tôi nhớ đến những tháng ngày đau đớn cũ.
Lại thấy cay nơi sống mũi, trôi xuống mằn mặn nơi môi, khi nhớ những ngày mà nước mắt hòa với máu...
***

Đó là những ngày tôi bị rút mất bốn ống máu mỗi tuần để kiểm tra lượng hormones, là vô số thuốc uống như “ăn gỏi”, là vết kim chích thuốc đầy vòng quanh rún, là chờ đợi và hy vọng từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Những gương mặt đã trở nên quen thuộc, từ bác sĩ đến điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm. Những gương mặt rạng rỡ cười khi cho biết kết quả xét nghiệm, những ánh mắt cảm thông và tiếng nói nhỏ nhẹ an ủi tôi ráng kiên nhẫn chờ thêm ít nữa, dù đang phải loay hoay tìm veins để lấy máu nơi hai cánh tay tôi, những cánh tay bị thâm tím khắp nơi, như tay của những người nghiện chích ma túy kinh niên. Và những lần phải nghe “I’m sorry …” nhiều không đếm hết.
Đó là những ngày tôi như người mộng du, đau co quặn thắt, nước mắt trào ướt má, và người bã ra, nhai cơm mà cảm thấy như trâu bò nhai cỏ. Đêm về ngủ mê mệt, cứ mơ thấy con bé nào cười hăng hắc, chạy vòng vòng trên sân nhà, cười đó rồi khóc đó, vì tè dầm ướt áo đầm. Có những đêm, tôi giật mình thức giấc vì cảm giác ướt lạnh trên má, và bên dưới. Những sợi vein mạch máu nhỏ như tơ, búi vào nhau, quyện trong mớ mềm mềm xanh xám, bên cạnh những tảng bầm to nhỏ, rớt xuống và loang thẫm đầy bồn. Bao nhiêu lần, mà cảm giác hụt hẫng vẫn như lần đầu. Cũng biết bao nhiêu lần, tôi từng thấy bệnh nhân bước vô phòng trong tình trạng ấy, và tôi phải cố giữ để không xúc động, và nương nhẹ cố không làm họ đau thêm. Khi người ta đau, không chỉ là đau về thể xác.
“Cây độc không trái, gái độc không con.”
Chưa từng đánh bài poker, nên tôi không biết những người chơi poker phải luyện làm sao để có gương mặt lạnh như tiền. Nhưng không biết bao nhiêu lần tôi phải làm như không nghe thấy những lời cay nghiệt đến đắng lòng như thế. Vẫn biết rằng đó là miệng lưỡi người đời, là “khác máu, tanh lòng”, nhưng cổ họng vẫn đắng, và hàm răng cắn môi tôi ghìm lại để thấy sao mà mặn chát.
Không biết bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống, kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần sau mấy năm trời theo đuổi việc điều trị hormones, tôi bỏ cuộc, dù chưa thử đi đến giải pháp cuối cùng là thụ thai trong ống nghiệm.
Tôi trở lại trường, theo đuổi dự định mới cho đời mình. Năm năm qua đi, và con bé chạy tung tăng trong giấc mơ tôi không về nữa.
Tình yêu - Niềm tin - Hy vọng, ba thứ to tát trong đời, chắc tôi chỉ còn một phần ba nhỏ nhoi. Nhưng có lẽ Chúa nghe lời cầu xin rằng… cái thánh giá bùn tôi mang nặng quá, nên đã “đền” cho tôi món quà vô giá là con Cọp Con để yêu thương trọn đời này.
***

Tôi ước chi có thể quay ngược đồng hồ thời gian, để trở lại phút giây đứng trong thang máy kia, để cầm được bàn tay người phụ nữ có mái tóc nâu đen ấy, đặt lên nơi bàn chân cọp con đang đạp trong tôi, và nói với chị ấy rằng, “Don’t give up Hope! Trust me, she WILL be with you, SOON.” (Đừng mất Niềm Tin nghe chị! Tin em đi, bé con sắp về với chị rồi!”
Và ước chi, tôi có thể xóa được cái câu cay độc mà tôi đã phải nghe kia, trong đầu óc và trên môi một số người Việt, khi nói về những người phụ nữ vì một lý do nào đó không thể có được thiên chức làm Mẹ.
Nỗi đau không chỉ là thể xác.

::Tóc Huyền (Austin, Texas)

 

3 comments:

  1. Bài hay và cảm động quá!Cám ơn chị Tóc Huyền ở tận Châu Mỹ tặng quà cho Dân Viet Uc châu. Hy vọng còn đọc nhiều bài khác của chị...

    ReplyDelete
  2. Cám ơn tác giả Tóc Huyền đã gởi bài nầy.Chắc mình phải kéo dài Ngày Mother Day thêm vài tháng nữa.
    Hy vọng nhận được nhiều bài khác của chị.
    Cheers

    ReplyDelete
  3. Chưa đủ tư cách để mở cánh cửa của câu lạc bộ chứ nói gì mà thành viên hả anh Ben, nhưng với 20 năm trên thương trường ở Úc và mười mấy năm trên thương trường ở VN, có thể nói đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm , sẽ viết một bài ngăn ngắn về ngành bán lẻ, về cách để giảm bớt đau đầu trong vấn đề buôn bán, may ra giúp ích cho những bạn nào đã ,đang và sẽ mở một business nhỏ trên nước Úc này

    ReplyDelete