24/10/2013

SAO CHỔI


                                                           Hồi ký của cô nữ sinh Gia Long…

Nếu nói theo kiểu Bà Tùng Long, thí dụ như : “Tôi sinh ra dưới một vì sao xấu”“….dưới một vì sao cô đơn”, “…dưới một vì sao tăm tối”, thì tôi cũng phải tự giới thiệu là “tôi sinh ra dưới một vì sao…. chổi”.



              Lý do giản dị lắm, bởi vì bản chất tôi bị a-lẹc-dích cỡ nặng với bụi bặm, rác rến, cho nên cái chổi là vật bất khả ly thân của tôi. Ông Trời sinh ra tôi có đôi mắt soi mói và sáng như sao…chổi, chỉ một cọng rác nhỏ lọt vào mắt là tôi đã lên cơn ngứa ngáy rồi, bận đến chết hay dù có đến giờ gà lên chuồng mắt dính lại rồi, tôi cũng phải quơ ngay cái chổi mà quét lia quét lịa, xong xuôi đã, rồi mới leo lên giường say giấc ngàn thu! Nếu ai đã quen với cái bệnh a-lẹc-dích này của tôi thì không lấy làm lạ là tại sao nhà tôi lại nhiều chổi đến thế ! Trên nhà, dưới nhà, nhà tắm, nhà bếp, phòng ăn; nơi nào tôi cũng tìm chỗ dấu một cái chổi! 
               Thậm chí cậu con trai của tôi, ngay từ lúc 6 tuổi đã biết cái cố tật này, của ngon vật lạ gì thì không bao giờ mời mọc mẹ, nhưng cứ xong bữa cơm, tôi còn đang lui hui xếp bát đĩa vào máy, thì chú ta đã lon ton đem cái chổi để cạnh mẹ rồi. Sau này, ai đến nhà chơi, tôi cũng kể chuyện ấy nên chú ta không làm nữa. Từ đó, tôi rất ân hận đã mất đi một phụ tá đắc lực. 

              Kể ra, tôi thừa hưởng cái tính sạch sẽ hơi quá đáng này là từ ngày tôi còn ở nội trú trong một trường nữ trung học lớn nhất Sàigòn. Nếu tôi không lầm, có lẽ trường tôi là trường duy nhất có chế độ nội trú lúc bấy giờ. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba phải kể đến bọn nữ sinh nội trú chúng tôi. Ấy, cũng chỉ vì nhìn cái bề ngoài “em hiền như…maman” của tôi mà các cô Giám thị đã bé cái lầm tưởng tôi nết na hiền thục lắm. Ban ngày ở lớp, lúc nào tôi cũng được Thầy Cô lấy làm gương cho các bạn. Chiều tối, về đến phòng nội trú, tôi được giao làm trưởng toán trật tự!

Trường tôi có cô Giám Thị già khó tính, ai cũng sợ cô như sợ cọp. Mấy chục năm trôi qua rồi, thậm chí tôi không còn nhớ được tên cô, nhưng màu áo tím cô thường mặc thì vẫn như in trong trí. Từ xa, chỉ thoáng thấy màu áo này là chúng tôi đã báo động ầm ỹ lên và chạy tứ tán rồi. Tôi chỉ nhớ được cái tên “Nữ sinh Áo Tím”, mà bọn học trò nội trú âu yếm gán cho cô, mặc dù lúc đó, cô cũng đã nhiều tuổi lắm rồi.

Những ngày đầu nội trú, cô để ý đến tôi cũng chỉ nhờ Trời ban cho tôi cái gì cũng làm lẹ hơn người khác, kể cả chuyện học thuộc bài. Mẹ tôi kể, hồi mẹ đang mang bầu tôi. Một hôm, lúc ấy Bố tôi đi làm xa, mẹ ở nhà đi ciné với chị Vú, ra khỏi rạp mẹ đau bụng quá không thể về được, chị Vú hoảng hồn đưa mẹ vào bệnh viện. Ðến nơi, mẹ dặn chị Vú về báo tin cho gia đình và đem ít đồ dùng cá nhân vào cho mẹ. Khi mọi người vào đến nơi thì tôi đã khóc oe oe rồi. Thế cho nên từ đó, tôi cứ thừa thắng xông lên, làm cái gì cũng lẹ làng nhanh chóng, thấy ai chậm rì rì là tôi bực mình lắm!

Trong lớp, ngày nào chúng tôi cũng có bài về nhà làm. Tôi ư ? Chẳng chờ về nhà, cứ mọi người lục đục sửa soạn bút nghiên ra về là tôi ngồi nán lại, thoáng một cái là xong. Chiều về, cơm nước xong xuôi, đến giờ học tối, tôi lẩm nhẩm thuộc lòng bài ngày mai, trong khi đám bạn nội trú loay hoay làm bài nhà! Tay chân trống trải không biết làm gì, tôi đi phá làng phá xóm, kể chuyện tiếu lâm. Ðám bạn bu lại nghe, cười như nắc nẻ. Bị “Nữ sinh Áo Tím” bắt gặp mấy lần, muốn phạt tôi lắm, nhưng khi cô hỏi đến bài vở, thấy tôi làm xong xuôi không sơ sót gì, cô không phạt được đành phong chức cho tôi làm Trưởng ban Trật Tự để tôi có việc làm đừng đi phá thiên hạ.

                                                        Photo www.giaoduc.net.vn

Ðến giờ học tối, tôi cầm cây thước đi qua đi lại trong khi các bạn làm bài, không cho ai nói chuyện lôi thôi. Tối đến, tôi phải kiểm soát mọi người làm thủ tục đánh răng rửa mặt, rửa tay chân trước khi lên giường. Tôi oai phong lẫm liệt và nghiêm trang như bà cụ non nên cô tin tưởng lắm. Ấy là chỉ những lúc có mặt cô thôi. Khi cô vắng mặt, tôi đầu têu cho cả bọn phá phách. Ðến giờ ngủ, bọn tôi trùm mền cầu cơ. Miếng gỗ con con hình trái tim, bọn tôi đặt mấy ngón tay nho nhỏ lên, miệng rù rì “Nam Mô A Di Ðà…Lạt” mấy lần, là miếng gỗ quay vù vù, chạy loạn xà ngầu trên nền giấy có ghi đủ 24 mẫu tự, cứ thế chúng tôi hỏi Ma đủ chuyện, kể cả chuyện đề thi! Báo hại nhiều đêm, sau khi cầu cơ, cả bọn dúm lại sợ ma, đêm đến không đứa nào dám đi toilette, đành chịu trận đến sáng.

Sau mấy lần trót lọt, cuối cùng cô Giám Thị cũng bắt gặp, chỉ vì hôm ấy cô không mặc áo tím, không ai đề phòng nên cô đến sát gần mà chúng tôi không đứa nào khám phá ra cả. Cô bắt gặp tại trận, hôm sau lôi cả đám lên Hội Ðồng Kỷ Luật. Tôi oai phong đứng ra lãnh tội, không để liên lụy đến bạn bè. Chẳng phải là tôi anh hùng rơm hay can đảm gì đâu, nhưng tôi liếc qua trong Ban Hội Ðồng đã có đến mấy Thầy Cô ruột của tôi rồi, cho nên tôi vừa run run nhận lỗi vừa mở to đôi mắt tròn xoe ngây thơ vô số … tội ra mà cầu cứu. Các Thầy Cô nếu biết tôi là tội phạm thì chắc chắn là sẽ sẵn sàng bắt chước Bao Ðại Nhân mà chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa…zéro, hoặc là có phạt thì cũng giơ cao đánh khẽ thôi. Cô Giám thị cũng hiểu lý lẽ này nên sau một màn Gia Huấn Ca cho có lệ, bèn cách chức Trưởng ban Trật tự của tôi mà đổi thành Trưởng ban Vệ sinh, Cô ban cho tôi một cây chổi, bắt đầu cho một tương lai đen tối của tôi. Nhiệm vụ mới của tôi, là đi kiểm soát giường chiếu, tủ áo, tủ sách của đám bạn nội trú, chỗ nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ, sàn nhà lúc nào cũng phải sạch boong, nếu có gì sơ suất thì đến phiên tôi lãnh chổi chà! Người ta dùng chữ “yêu nghề” không sai, dần dần tôi thương mến cây chổi của tôi lắm, thậm chí cuối tuần về nhà mẹ tôi cũng phải ngạc nhiên, không hiểu nhà trường dạy dỗ cách nào mà tôi gọn gàng sạch sẽ hẳn ra, chả bù ngày xưa, mỗi lần chị giúp việc mở tủ của tôi ra để ủi quần áo, thì đống áo quần, đồ đạc, búp bê, thỏ bông, gấu bông trong tủ đã đổ ào lên đầu chị như Việt Cộng pháo kích rồi ! Mẹ tôi hài lòng lắm, khen nhà trường rối rít, có biết đâu cái đoạn trường tân thanh mà tôi đã phải đi qua!

Nói vòng vo Tam Quốc nãy giờ là để kể lại lịch sử từ lúc nào cây chổi đã “đi nhẹ vào đời” tôi ấy mà. Bao năm qua, tôi yêu quý cây chổi của tôi lắm. Những lúc rỗi rảnh, phải tập xướng thanh, thì tôi cứ rống lên … Nếu hỏi rằng em yêu ai? Thì em rằng em yêu Ba nè, em yêu Má nè, yêu chị, yêu anh, yêu hết cả nhà, nhưng nhất là em yêu… em yêu…cái chổi cơ! Ngày nào không thấy nó là tôi ăn ngủ không yên, tay chân ngứa ngáy lắm.

Di tản sang đến Canada, bao nhiêu kiểu máy hút bụi tối tân cũng không làm tôi quên được cái chổi lúa của quê nhà. Cái chổi ôi sao dễ thương, mềm mại, đi đến đâu là bụi bặm nhẹ nhàng đi theo, đâu có như cái chổi Tây, cứng còng còng, mỗi lần muốn quét lùa vào gậm giường thì cứ phải bò xuống sàn muốn gẫy xương sống.

Ngày nay, chổi lúa đã được bán đầy ở các tiệm Việt Nam, không còn ai thấy nó là một vật hiếm quý nữa, nhưng cái dạo mới nhận nơi này làm quê hương thì làm gì có chổi lúa mà mơ! Mỗi lần phải đẩy máy hút bụi hay cầm cái chổi Tây loèo khoèo đưa tới đưa lui mà vẫn không sạch, tôi mới tha thiết nhớ cây chổi quê nhà, nhớ xót xa màu Áo Tím của Cô Giáo cũ, không biết “hồn ở đâu bây giờ ?”.

Cho đến một hôm, sang tận Hoa Thịnh Ðốn thăm một người bạn, tôi chợt sáng mắt như tha hương ngộ cố tri khi thoáng nhìn thấy cây chổi lúa treo trên tường một tiệm bán đồ trang trí nhà cửa. Không nói không rằng, tôi chạy bay vào tiệm, mua luôn hai cái, không buồn hỏi giá nữa. Ra về thơ thới hân hoan với hai cây chổi xếp một cách trân trọng trong xe. Ðến lúc qua trạm kiểm soát quan thuế, tôi mới lo lắng, vì lần đầu tiên vượt biên mà, tôi chưa có kinh nghiệm khai báo, cứ lo hão lo huyền thôi, cái gì cũng sợ. Nhưng vốn dĩ không thích nói dối, khi xe tôi tới trạm kiểm soát, nhân viên quan thuế hỏi có gì cần khai báo không, tôi thành thật có sao nói vậy người ơi, chỉ ngay hai cái chổi. Ông ta trợn tròn mắt hỏi :
- What for?
            Ơ hay! Lạ nhỉ? Cái chổi thì để quét nhà chứ để làm gì mà… what for?, rõ vớ vẩn. Sực nhớ ra Tây, Mỹ có biết quét nhà đâu, tôi gãi đầu gãi tai, rồi cũng sực nhớ ra là dân Việt ta có nhiều giai thoại cười, cái gì cũng cười được, chẳng hạn trong ca dao, ngạn ngữ cũng có nói cười là liều thuốc bổ, cười hở mười cái răng, cô nào cười nhiều thì các cụ quở là vô duyên chưa nói đã cười, không cười cũng bị quở là mặt khó đăm đăm như Tô Tô ăn vụng bột! Tóm lại, trường hợp nào, lúc nào, nụ cười cũng đáng tiền hết, thậm chí đến lúc xuôi tay nhắm mắt, chết thẳng cẳng, nằm ngay đơ cán cuốc ra rồi mà cũng vẫn còn có thể ngậm cười nơi chín suối! Cho thấy, nụ cười đáng giá thế nào! Thế cho nên, tôi cũng bèn cười cười mím chi cọp mà rằng:
- Thưa xếp… for decoration.
  Ðúng là người Mỹ chỉ to đầu nhưng ngây thơ lắm. Thấy tôi cười cười nói vậy, ông ta gật gù:
- It’s nice…
Rồi ra dấu cho tôi đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, chuyến đi của tôi thật không bõ công.

Về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là cho ngay cái chổi Tây cứng còng còng goes to… thùng rác. Giã từ chiến hữu! Từ đấy, cây chổi lúa đã theo tôi chinh chiến, đánh đông dẹp bắc. Tôi oai dũng hiên ngang như một chiến sỹ ra trận. Tôi ra lệnh cho mọi người trong nhà phải tự giác mà dọn dẹp đồ đạc cá nhân của mình. Cái gì nằm dưới sàn, cái gì không đúng thứ tự thì a lê hấp, vô thùng rác!

Ðến nỗi, các cậu con trai của tôi sợ lắm, thấy tôi cầm cái chổi trên tay là bọn chúng mắt la mày lét, tự động đi nhặt nhạnh nào viết chì, gôm, giấy, mực, chưa xong, để cho chắc ăn, chúng đứng chặn nơi thùng rác, kiểm soát từng thứ tôi sắp liệng vào để vơ vét tàn binh, “cái này của eng Sơn”, “cái này của em Long”.

Không ai có thể tưởng tượng được ban ngày tôi điều binh khiển tướng nơi công ty oai phong lẫm liệt đến dường nào, Tây Ðầm cũng răm rắp tuân lệnh. Thế mà tối về thì đóng vai một con Sen chính gốc, lúc nào cũng kè kè cái chổi trên tay. Quả đúng là hai hình ảnh một cuộc đời! Mà cuộc đời gì lại trớ trêu đến thế không biết. Người ta thì yêu thơ, yêu văn, yêu họa, yêu nhạc đã đành, tôi thì yêu cây chổi! Không thanh tao tí nào! Ðã nói là số tôi có sao chổi hộ mạng mà. Người ta nói :
                       Còn thời cưỡi ngựa bắn cung
                        Hết thời, xuống ngựa lấy thung … bắn ruồi !
Nhà tôi ư? Con ruồi cũng không có lấy đâu mà bắn? Anh ruồi nào vô phúc đi lạc vào nhà tôi, thì chỉ có nước chết đói, hoặc may mắn lắm thì cũng ngáp ngáp vài cái rồi thì chẳng cần ai đuổi cũng phải tự động “ra đi khi trời vừa sáng” thôi, vì có gì mà ăn? Cái gì rớt ra là tôi đã quét sạch bách rồi.

                                                   ***
 Hơn 30 năm lưu lạc nơi xứ người, đêm nay, bồi hồi đứng trước cổng trường xưa, kỷ niệm xưa lần lượt hiện về trong trí tôi như một cuốn phim quay chậm. Tôi đứng vịn vào hàng rào nhìn vào trong sân tối mịt, hàng cây vẫn cao vun vút dưới ánh sao đêm, chỉ khác là thân cây dường như cây nào cũng được sơn trắng? Hay đó chỉ là ánh sao lấp lánh chiếu qua cành lá? Những tầng lầu, những lớp học không đèn im lìm dưới bóng đêm. Bên kia đường, những căn biệt thự cao sang dạo nào đã không còn nữa mà thay vào đó là những hàng quán lởm chởm không thứ tự, giờ đây cũng tắt hẳn ánh đèn. Hàng me ngày xưa sáng chiều chúng tôi đi nhặt lá, giờ cũng đã vắng bóng, người ta cần đất, cần diện tích để đặt hàng quán!

Dưới ngọn đèn đường le lói không đủ chiếu sáng khoảng sân trường rộng bên trong, tôi nhìn lên cổng trường, giờ này đã đổi chủ, đổi cái tên mới lạ hoắc kỳ quặc và nghe mùi… thum thủm, với cái lá cờ vô duyên nhẹ phất phơ trong gió đêm! Cái nao nức của tôi lúc mới đến đây là sẽ quay lại một lần khác vào ban ngày để được đặt chân vào trong sân trường cũ, để được nhìn lại cây phượng đỏ sau trường, để được thăm lại dãy phòng nội trú, để được bồi hồi nhớ lại cô Giám thị xưa, thì giờ đây đã tan tành theo mây khói. Ngôi trường này, cái tên này, lá cờ này, bây giờ có còn là trường ngày nào của tôi nữa đâu? Tôi nghe một cái gì nhói đau và nước mắt tự nhiên trào ra, rơi xuống bàn tay Bích đang ấm áp trong tay tôi, siết mạnh.

Tôi chợt mong sao rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt, để bay về lại căn nhà tôi đang ở, để ngày ngày sau giờ làm việc, lại tìm vui với công việc nhà, với cây chổi thương yêu của tôi. Chỉ còn một điều mà tôi ao ước: không biết ngày nào cây chổi của tôi quét sạch được mảnh đất quê hương, để một ngày nào “lũ con lạc lối đường xa, có con nào nhớ Mẹ ta thì về…..”; để lần sau nếu tôi còn được trở về thì mái trường cũ, thì cổng trường xưa, không còn với cái tên lạ hoắc vô duyên nữa mà sẽ chỉ còn vỏn vẹn hai chữ GL.

 Hải Phong 



No comments:

Post a Comment