Ngày 1/9 hằng năm ở Úc là ngày lễ Father day,
ngày vinh danh người cha. Bài viết dưới đây của
cháu
Khôi Trần, đến Úc năm em lên hai tuổi….
Hai tuần trước bác gợi ý cháu nên viết một bài về
Father’s day. Thật khó đó bác ơi. Kỷ niệm về mẹ thì có nhiều, nhưng kỷ niệm về
cha thì ít ; bởi cha ít ở gần
con cái hơn,cha lo bôn ba bên ngoài tìm miếng ăn.
Sách báo, truyện viết rất nhiều về mẹ, về tình yêu của mẹ dành cho con cái ,nhưng
viết về tình cha rất ít, mặc dù tình yêu cha dành cho con cũng bằng trời bằng
biển như mẹ vậy thôi.
Những ngày còn ở Việt Nam,lúc cháu mới một tuổi, ba cháu
còn làm việc ở Cần Thơ ,mẹ và ba chị em các cháu bám về quê ngoại , Sóc Trăng.
Bản thân cháu ít theo ba hơn là hai chị lớn, cháu thích bám theo mẹ hơn. Chắc
là vì khi có đồ ăn từ bà ngoại mẹ cháu thường dấu kỹ và chỉ chìa ra cho cháu mà
thôi, hai chị lớn không có ưu đãi nầy nên hồi nhỏ cháu bám kỹ vào mẹ nhiều hơn
cha.
www.multiplesandmore.com
Nhưng có một linh tính kỳ diệu mà cháu phải kể ra đây.
Ngày gia đình cháu âm thầm bước xuống
ghe bỏ nước trốn chạy Cộng Sản. Chặng đầu tiên là xuống ghe Taxi. Gia đình cháu
bị tách ra ngay, ba cháu đã không thể bước xuống cùng ghe, cháu khóc thét lên,giảy
nãy khóc không thôi đòi ba xuống chung. Chủ ghe taxi qui định 10 người mổi chuyến.
Họ đẩy ba cháu qua ghe khác. Giây phút nầy là giây phút bình tỉnh ,mình không thể tranh cải với tên
chủ ghe được. Ba cháu đã bóp bụng đi trở
ngược lên cầu tàu,đi ngược lên độ một trăm thước thì gặp ngay bà chủ tàu,cả hai
cùng đi xuống. Bà chủ tàu nháy mắt với ông chủ ghe Taxi , ba cháu nhanh nhẹn bước
xuống. Cháu chỉ chờ có vậy, cháu nín khóc ngay và ôm chầm lấy ba, chiếc ghe từ
từ tách bến…
Đi đến một khúc sông vắng
khách từ ghe Taxi được đưa lên ghe lớn để chuẩn bị ra khơi. Chiếc ghe
Taxi thứ hai kia đã bị công an chận và đã không bắt kịp ghe lớn,đành bị bỏ lại.
Nếu ba cháu bước xuống ghe taxi thứ hai thì đễ gì chúng cháu được đoàn tụ nơi đất
khách quê người ? Chuyện vượt biên mà , chín phần rủi ,một phần may mà thôi.
Gia đình cháu lọt vào một phần của sự may mắn đó…
www.thecardshop.com.au
Tụi cháu lớn lên ở Úc, tuổi thơ đẹp vô cùng. Mẹ lo làm,
ba cũng lo làm ,nhưng cũng không quên phần giáo dục của các cháu. Tuyên truyền
để giáo dục con cái mỗi người mỗi khác. Cháu thích cách tuyên truyền của Bác.
Bác hay dùng những câu danh ngôn, những quote thật hay dán phòng khách hay nhà
bếp để khuyên răn con bác.( Các câu khẩu hiệu được dán ở cửa tủ lạnh, ở nhà bếp
để các con bác đi ra đi vào gặp hoài mà nhớ.) Ba cháu làm khác, ba cháu thực tế
hơn. Có lần ba cháu dẫn cháu tới phía sau trường đua ngựa…Trời lạnh căm căm ba
cha con lo hốt cứt ngựa về làm phân…Tụi cháu đâu muốn đi,nhưng để ba đi một mình tội nghiệp . Đi dùm ba hốt
phân ngựa ba tiết kiệm độ 15 hay 20 đồng là cùng; nhưng mà nó dơ dáy vô cùng,
xong rồi về nhà phải hút bụi xe…không thì mùi thúi nó còn hoài trong xe…Đi với
ba mà trong lòng cứ hậm hực …sao má không sanh cho tụi cháu em trai để nó đi
theo ba hốt phân ngựa, đem con gái đi hốt phân ngựa về trồng đồ. Sau nầy lúc
lên đại học rồi cháu mới nghiệm ra đó là cách tuyên truyền của ba cháu. Tay lo
hốt phân ngựa nhưng miệng cứ rỉ tai…con ráng học thì sau nầy con không không khổ
như ba. Nếu ba ở Việt Nam ba không đi làm việc nầy. Mình sống không nỗi trong
chế độ Cộng Sản nên mình qua đây,làm việc không đúng với tài năng mình…Con nhìn
ngoài kia ,mấy người kia đang tắm ngựa,mùa đông lạnh cóng nhưng nó vẫn làm... tại
hồi nhỏ nó lo chơi nhiều hơn học …đó là cách tuyên truyền của ba cháu…Vậy mà
tác dụng rất nhiều. Tụi cháu chỉ lo học thôi, học thoải mái, không lo các công
việc part time để kiếm tiền lẻ.
Bây giờ khôn lớn , ở xa nhà, qua Anh Quốc làm việc một
năm mới về một lần những ngày đặc biệt thế nầy cháu thấy thương ba vô cùng. Nhân ngày Father’s day con chỉ có vài hàng tặng
ba. Con mãi mãi thương và ngưỡng mộ ba.
Con nhớ mãi câu nói của nhạc sư Mozart : “Sau thượng đế là cha tôi. Đó là chân
lý bất di bất dịch, một định lý của thời tuổi thơ tôi và đến bây giờ tôi vẫn
còn tin tưởng như vậy !” ( After God comes my Papa – that was ever
the motto, the axiom of my childhood and I cling to it still !)
Khôi Trần (Sydney )
Hay quá chị Khôi ơi, chị có nhiều kỷ niệm về cha hay quá . Tiếp tục kể nhe chị Khôi. Tụi em khoái nghe chị kể nhiều hơn nữa...hi hi
ReplyDeletecháu Khôi thân mến, nhớ về cha mẹ là một điều rất nên làm của các cháu còn trẻ, bài viết của cháu thật ấm áp về tình cha, nhưng có một điều cô mong cháu nên sửa dổi một chút, trong "tình cha " thì không có " tuyên truyền " cháu à, hai chữ này bọn cộng sản mới dùng mà thôi, cha mẹ thì " dạy dỗ" con mình chứ không tuyên truyền đâu cháu. Và còn một điều nữa là thay vì cháu dùng " những câu khẩu hiệu " cháu có thể thay bằng " châm ngôn" hoặc đơn giản hơn " lời hay ý đẹp" vì chỉ có cộng sản họ mới dùng khẩu hiệu. Cô có một điều rất khó sửa đổi là cô rất ghét nghe những câu nói sau 75, họ đã thay đổi cách nói cũng như viết nhưng trong lòng cô đã chạy trốn họ thì không thích bất cứ điều gì có liên quan đến họ. Mong cháu thông cảm cho cô. Đây chỉ là ý của cô không có ý gì khác. cám ơn chau
ReplyDeleteKim Nguyễn nói rất đúng, Trâm cũng nghe thật chói tai những câu nói sau 75, họ đã dùng những từ quá to tát cho một điều thật nhỏ bé. Có lẽ cháu Khôi đi từ khi còn bé nên chưa hiểu lắm về những câu nói của người CS sau này,bây giờ mọi người dân trong nước đều xử dụng nên trở thành quen tai, nhưng trong câu chuyện này thì người cha " tuyên truyền " cho con mình là sai hoàn toàn, như Kim nói phải là " dạy dỗ" , mong cháu Khôi nhận thấy
ReplyDeleteCám ơn Cô Ngọc Trâm, cô Kim Nguyễn cháu vui mừng khi bài viết của cháu được các cô lưu ý. Cháu đã lo lắng về Ý tưởng nhiều hơn và quên đi về cách chọn danh từ.Với các câu trên cháu nên viết là "đó là cách dạy dỗ khéo léo của ba cháu" thì nghe nó nhẹ nhàng và văn vẻ hơn nhiều.
ReplyDeleteBác Ben nói ,bác không sửa chi nhiều,chỉ thêm dấu chấm câu, ngắt đoạn ,thêm hình ảnh, cháu tập viết để các bạn khác thấy mình chỉ viết amateur và các bạn khác viết theo hihi...
Lần nữa cám ơn cô Kim và cô Ngọc Trâm nhiều nhe.
Cám ơn cháu đã viết bài cho các cô đọc, càng viết nhiều càng hay cháu à, sân này dành cho các cháu mà, các cô thích đọc và comments cho người viết lên tinh thần hơn, những gì xảy ra quanh cháu, những kỷ niệm khó quên trong đời cháu sẽ chính là những điều hay mà cháu sẽ thấy khi trải ra trên blog thì người đọc sẽ cảm nhận được sự rung dộng của cháu bởi vì nó thật và không hư cấu, mong cháu viết thêm nhiều bài hay nữa nhá
ReplyDeleteSang Uc đã lâu, bài viết không có lỗi chánh tả, cháu thật đáng khen.
ReplyDeleteCô Diệu Hiền.