18/04/2015

Chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi

 - Thơ Thái Bá Tân


Thời Đông Chu loạn lạc,
Khắp nơi có chiến tranh,
Dân lầm than, đói khổ,
Phải phiêu bạt, điêu linh.



Cả thầy trò Khổng Tử
Lúc có ăn, lúc không.
Nhưng không ai ta thán,
Vẫn một lòng theo ông.

Lần nọ, thật may mắn,
Vừa đến đất nước Tề,
Có một bậc hào phú
Từ lâu đã được nghe
Tài đức của Khổng Tử,
Nên tự đến chào ông
Và biếu một ít gạo,
Chí ít đỡ đói lòng.

Ông liền sai Tử Lộ
Đi tìm củi, tìm rơm.
Nhan Hồi, đáng tin nhất,
Được giao phần thổi cơm.

Khổng Tử nằm đọc sách
Cách nhà bếp không xa.
Đã xế chiều lúc ấy.
Chỉ hai người ở nhà.
Bất chợt, có tiếng động.
Nhìn xuống bếp, và rồi
Khổng Tử rất kinh ngạc
Thấy trò yêu Nhan Hồi
Mở nồi cơm đang chín,
Xúc một ít lên tay,
Vắt thành nắm, sau đó
Cho vào miệng ăn ngay.
Ông quay mặt, xấu hổ,
Cố kìm tiếng thở dài:
“Nhan Hồi, một trò giỏi,
Có đức và có tài,
Sao có thể ăn vụng,
Sao đốn mạt thế này?

Vậy là bao hy vọng,
Bỗng chốc thành khói mây.”
Lát sau, khi tất cả
Có mặt bên bàn ăn,
Khổng Tử nói: “Ta muốn
Dâng cơm cúng thánh thần…”
Nhan Hồi nghe, đứng dậy
Cung kính đáp: “Thưa thầy,
Xin thầy để hôm khác,
Bởi lẽ nồi cơm này
Không được sạch…” “Sao vậy?”
Vì lúc nãy tro rơm
Gió thổi mạnh, một ít
Đã rơi vào nồi cơm.
Con xúc lên, định vứt,
Nhưng nghĩ tiếc, đã ăn.
Giờ con không ăn nữa,
Vì mình đã có phần.”

Khổng Tử nghe, ngửa mặt
Mà than rằng: “Chao ôi,
Có cái mắt mình thấy,
Tưởng đúng, thế mà rồi
Hóa ra lại không đúng.
Ta suýt nữa hồ đồ
Vu oan và nghĩ xấu
Cho một người học trò!”
Thái Bá Tân.



1 comment:

  1. Mắt thấy chưa hẳn là đúng, tai nghe chưa chắc là thật, chuyện gì cũng nên tìm hiểu kỷ càng trước khi kết luận

    ReplyDelete