25/04/2014

Huy chương đánh mất


                                             Tặng anh Tư Điên, người có nhiều huy chương...                                                          
                                                                                            ::Ben Trần::

Huy chương dùng để ghi công,tưởng thưởng cho người có công về một việc gì đó.



Có nhiều loại huy chương nhưng ở đây người viết chỉ bàn đến hai loại: Huy chương trong thể thao và huy chương trong quân đội.

Người đoạt huy chương trong thể thao hẳn là đã trải qua thời gian huấn luyện gian khổ. Khi họ đoạt giải với chiếc huy chương chắc chắn là họ  hãnh diện và sẽ mang niềm hãnh diện về cho cả quốc gia họ. Người được lãnh huy chương trong thể thao thường được giới truyền thông ca ngợi và về lâu về dài có nhiều cơ hội tiến thân ,hay có nhiều cơ hội làm ra tiền hơn trong lãnh vực quảng cáo.

Trong khi đó người đoạt huy chương trong quân đội ít có cơ hội “kiếm tiền” như các nhân tài thể thao. Để đoạt được huy chương người chiến sĩ cần có vài yếu tố như dũng cảm, kinh nghiệm, thông minh…Nếu bạn dũng cảm mà thiếu thông minh, không kinh nghiệm thì có thể bạn tự giết mình và gây nguy hại cho đồng đội. Nếu bạn thông minh, kinh nghiệm nhưng thiếu dũng cảm thì chắc  bạn sẽ không có cơ hội đoạt huy chương.

 Người chiến sĩ phải vào sinh ra tử, đôi khi phải quên đi mạng sống của mình để hoàn thành công tác hay cứu nguy cho đồng đội. Trong giây phút hiểm nguy người chiến sĩ phải lao vào một công tác thập phần nguy hiểm ,trong tâm tưởng họ làm đâu phải làm để đoạt huy chương ( như các người tranh tài thể thao!) Thế nên chiếc huy chương được cấp trên ban cho được xem như một phần để an ủi ,một phần để vinh danh. 
Đối với một số người huy chương được họ coi như một phần của ký ức oai hùng mà họ từng trải qua với đồng đội. Thời gian sống trong quân đội cũng là phần đời của họ, một kỷ niệm gắn liền với họ cho đến khi xuống mồ… Đó là những điều mà ta không thể nào thay thế được. Những điều mà tiền bạc không thể nào mua được: Kỷ niệm buồn, kỷ niệm đẹp, kỷ niệm oai hùng…

 Xin trở lại với đề tài huy chương đánh mất. Một câu chuyện thật xảy ra nơi tôi làm việc.

Vào một ngày trong tháng Năm 2011, Simon nhận được cú điện thoại từ  ông Cordwell ,94 tuổi. Ông Cordwell là cựu quân nhân đang sống trong vùng Nelson Bay, vùng trách nhiệm phát thư của chúng tôi.
 Trong giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt, ông Cordwell cho biết ông vừa nhận được một gói hàng (packet) mà bao bì bị rách. Bên trong ông hy vọng có một món đồ vô cùng quí giá sẽ về với ông, đó là chiếc huy chương. Nhưng không, chiếc huy chương đã biến mất. Ông kể tiếp lý do...

Ngày lễ Anzac day của năm 2011 , như thường lệ các cựu quân nhân Úc và đồng minh tề tựu về các thủ phủ làm lễ để tưởng nhớ các anh hùng hy sinh vì tổ quốc. Ông Cordwell cho người cháu ông mượn chiếc huy chương để đeo và tham gia đoàn diễn hành tại địa phương. Sau buổi lễ người cháu để huy chương vào bao nhỏ ,gởi bảo đảm trả về cho ông. Cái bao nhỏ bị rách,lọt mất cái huy chương.

Khi quan sát cái bao bì, Simon biết ngay cái bao bị rách vì đường belt của máy soạn thư. Nhưng đi tìm chiếc huy chương cũng như chuyện mò kim đáy biển. Mổi ngày có hàng triệu triệu bức thư và các packets nhỏ phải đi qua các máy phân loại thư.
Simon chỉ là giám đốc nhỏ, kiểm soát khoảng 20 nhân viên. Cậu ta không có quyền hạn ra chỉ thị cho các giám đốc chi nhánh khác. Simon liền điện thoại lên giám đốc cấp vùng ( Area manager ) ông nầy kiểm soát hơn 300 cơ sở bưu điện từ vùng Gosford & Newcastle và luôn cả vùng Hunter Valley. Ông nầy liên lạc với các trung tâm phân phối thư toàn tiểu bang hãy rà soát lại các máy soạn thư để tìm chiếc huy chương thất lạc. Sau đó vài ngày chiếc bảo vật của vị cựu chiến binh được tìm thấy  trong chiếc máy soạn thư ( Multi Line Optical Character Reader).

Một tuần lễ sau, Simon và vị Giám đốc vùng xuống tận nhà vị cựu chiến binh. Hai người không quên mang theo một bó hoa, và chai rượu vang.
Ông cựu chiến binh 94 tuổi vui mừng nhận lại chiếc huy chương bị thất lạc với niềm phấn kích không thể tả…Ông mời hai người trẻ vô nhà dùng ly cà phê. Lúc đó những đoạn phim hào hùng được quay ngược.

                                                   Huy chương cao nhất: Victoria Cross
                                                        ( Photo  jeanpaulleblance.com )

Thời gian đó,trong thế chiến thứ hai 1939-45 ông Cordwell còn rất trẻ , 25 tuổi ông Cordwell đã mang cấp bực Thiếu tá, người Thiếu tá trẻ nhất trong quân lực Hoàng gia Anh lúc bấy giờ.
 Khi quân Đức quốc xã đã thôn tính nước Pháp, quân Anh được lệnh rút, di tản về Anh Quốc. Tự tìm phương tiện di tản. Lệnh cấp trên các binh sĩ không được mang vũ khí, mặc đồ dân sự tìm thuyền đánh cá vượt eo biển giữa Pháp và Anh rút về hậu cứ.
 Lệnh trên không cho ai mang vũ khí theo, nhưng ông Cordwell  vẫn giấu và mang theo cây súng trường với 15 băng đạn. Đến giữa đoạn đường,lênh đênh trên biển phi cơ khu trục của Đức xuất hiện. Tên phi công Đức phát hiện trên tàu lúc nhúc những người và người. Ngay lập tức phi cơ Đức quay đầu lại, bay thấp xuống chuẩn bị tấn công vào tàu đánh cá . Ông Cordwell phản ứng tức thì, ông đứng lên với cây súng trường nhắm thẳng vào phòng lái phi cơ mà nhả đạn. Ông bắn liên tục khoảng năm băng đạn, chiếc phi cơ Đức có lẽ cũng ăn vài viên đạn và đã không chịu nổi áp lực từ dưới bắn lên. Phi cơ đã quẹo sang hướng khác và bay về.

Hành động dũng cảm của ông Cordwell đã cứu mạng hơn 100 binh sĩ  trong lúc di tản bằng đường biển. Về đến Anh ông được trao tặng huy chương cao quí nhất. Sau chiến tranh ông sang định cư ở Úc Châu. Chiếc huy chương của ông như một điều ghi công trạng vì nước quên thân mình. Ông luôn mang trong mình những kỷ niệm sống chết có nhau, những chặng đời gian khổ cùng đồng đội. Thế nên giờ đây trên 90 tuổi ông trân quí một báo vật duy nhất là huy chương nầy. Bạn thử nghĩ sau thời gian mất ăn mất ngủ,ông mừng rỡ biết chừng nào khi nhận lại cái huy chương.
Sau đó ông Cordwell có viết thư cám ơn các nhân viên bưu điện đã bỏ công giúp tìm lại báo vật , ông cũng không quên khen ngợi Simon là một nhân viên tử tế,trách nhiệm và rất nhiệt tình trong công việc.

Trong cuộc đời tôi luôn khâm phục các chiến sĩ anh hùng với nhiều huy chương trên ngực. Nhưng có một người được lãnh huy chương mà tôi căm ghét nhất ; ông nầy được lãnh huy chương theo dạng “đâm sau lưng chiến sĩ”, đó là Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, người đã đi đêm với cộng sản bán đứng miền Nam Việt Nam. Henry Kissinger  muốn rút quân Mỹ, giải quyết chiến tranh Việt Nam trong danh dự nên ngầm bắt tay với Lê Đức Thọ, ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ký vào Hiệp Định đình chiến Paris để từ đó miền Nam Việt Nam bị bức tử. Sau đó Kissinger và Lê Đức Thọ cùng chia nhau một huy chương “Nobel Hòa Bình” cho chiến tranh Việt Nam. Kissinger và Lê Đức Thọ không xứng đáng với huy chương nầy khi mà hàng triệu người miền Nam Việt Nam phải bỏ xác trên chiến trường hay ngoài biển cả… Các bạn có đồng ý không?

::Ben Trần
   Sydney


3 comments:

  1. Đúng vậy , đồng ý với anh Ben, có những huy chương mà mọi người phải đổ máu mới có được, nhưng có những huy chương phải dùng máu của người khác để đem về nên bài thơ sau đây, nói đến hai loại huy chương mà anh Ben vưa kể đến, những anh hùng hy sinh cho quê hương, và những kẻ bán nước
    H ãy vươn cao những ngọn cờ chính nghĩa
    U y dũng vô vàn chiến sĩ hy sinh
    Y ên ngựa bọc thây,, máu đào thấm đỏ
    C ho quê hương cho dân tộc của mình
    H ỡi những kẻ quên gốc nguồn cội rễ
    Ư ơm bao mầm tội lỗi bán non sông
    Ơ n không mang , tay đẫm máu dân mình
    N hư những nhánh củi khô trôi vô định
    G hi dấu cuộc đời bằng nỗi nhục ngàn năm

    ReplyDelete
  2. Xuất khẩu thành thơ... Cám ơn cô Kim Nguyễn tặng cho bài thơ trên....Giúp bài viết thêm nhiều ý nghĩa. Đa tạ.

    ReplyDelete
  3. Hay đó ông Ben, ông cho ra đời bài nầy ngay dịp Anzac Day và ngay dịp 30/4 nữa đọc đã thật... tới luôn bác tài...

    ReplyDelete