01/01/2014

Cuộc đời 'kỳ lạ' của một bác sĩ trở thành linh mục



                                                                                                 Như Mai

Đối với nhiều người, cuộc đời của linh mục-bác sĩ Nguyễn Viết Chung, hiện phục vụ người nghèo khổ, người dân tộc thiểu số và bệnh nhân phong cùi và HIV ở Kontum, thực ‘kỳ lạ’:


 Trước khi trở thành một linh mục công giáo, ông Nguyễn Viết Chung từng là bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng sốt rét (năm 1980)  và bác sĩ chuyên khoa da liễu (năm 1993). Trước đó nữa, ông “không biết gì về đạo công giáo” vì ông và gia đình theo đạo ông bà. 

Hình bìa của CD ‘Giáng sinh trong khó nghèo’ do nhóm Tình thương Melbourne ở Úc thực hiện để gởi tặng các ân nhân đóng góp vào những hoạt động của linh mục- bác sĩ Nguyễn Viết Chung nhằm giúp đỡ những người cùng khổ, người dân tộc thiểu số, bệnh nhân ... (Credit: ABC) 


Năm 1994 ông theo đạo Công giáo và sau đó vào dòng tu Vinh Sơn. Năm 2003 ông trở thành linh mục và từ năm 2009 ông xin lên sống ở vùng Tây Nguyên để phục vụ những người nghèo khổ, người phong cùi và bệnh nhân HIV.
Dĩa CD ‘Giáng sinh trong khó nghèo’ do nhóm ‘Tình thương Melbourne’ ở tiểu bang Victoria, Úc, thực hiện, do sự đóng góp công sức của nhiều người, trong đó hầu hết đều chưa hề gặp linh mục Nguyễn Viết Chung, nhưng cảm mến những việc làm của ông.
Mục đích của việc ra dĩa CD này, như lời bác sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Victoria là “để bày tỏ sự tri ân những người hảo tâm đã rộng tay giúp đỡ để cha Chung có phương tiện giúp người cùng khổ”.
Nữ tu Nguyễn Thùy Linh thuộc dòng nữ Salesian, người hát một số bài trong CD, cũng cho biết sơ “chưa bao giờ gặp cha Chung, chỉ nghe người khác nói và thấy cha thật là người hy sinh thân mình cho người khác” nên sơ đóng góp vào CD này. Được biết sơ Thùy Linh hiện giảng dạy môn Tin học (Information technology) tại Đại học Công giáo Úc ở Melbourne và có bằng tiến sĩ về computer science.

                                         
                                                    Linh muc Chung khám bệnh cho dân nghèo


Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Tiếng Việt, Radio Australia , linh mục Chung cho biết 3 người đã tác động mạnh mẽ và khiến  ông thay đổi hoàn toàn hướng đi cuộc đời là; Giám mục Jean Cassaigne (1895-1973), người Pháp, từng làm Giám mục Sài Gòn (1941-1955). Jean Cassaigne được gọi là ‘Giám mục của người cùi’ vì trước và sau khi làm giám mục Sài Gòn, ông hoạt động với người cùi và cũng chính là người mở trại cùi Di Linh vào năm 1929. Chính bản thân Jean Cassaigne sau này cũng bị bệnh cùi và chết và chôn tại trại cùi Di Linh, Việt Nam, nơi ông gọi là “quê hương thứ hai”.
Người thứ nhì là linh mục giáo sư Marcel Lichtenberger, một linh mục dòng Tên người Bỉ, dạy môn Mô phôi học  tại Đại học Y khoa Sài Gòn khi linh mục Chung là sinh viên năm thứ nhất, 18 tuổi, vào năm 1974
Người thứ ba là ‘Dì Hai Loan’, tức nữ tu Maria Phạm Thị Ngọc Loan thuộc tu hội Nữ tử Bác ái, người phục vụ tại trại cùi Bến Sắn 17 năm và chết ở trại này.
Linh mục Chung cho hay cả ba người đều có chung một điểm khiến ông ngưỡng mộ: họ rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống của họ chứ không phải bằng lời nói.
Như Mai
(Radio Australia)

No comments:

Post a Comment