09/01/2014

Tơ lòng (12) Người đau khổ

Kính thưa cô.
Hôm nay tôi viết thư này đến cô, thật ra không phải là một lá thư để nhờ giải đáp sự rối reng trong lòng . lá thư này như một cách trút bỏ nỗi u phiền trong



lòng tôi bao lâu nay. Mong rằng cô tha thứ cho tôi nêu như tôi đem sự buồn phiền của tôi qua cho cô. Cám ơn cô đã lắng nghe tâm sự của tôi.
Thưa cô,
Tôi năm nay đã 54 tuổi, cái tuổi chẳng còn trẻ để mà bay nhảy nữa. Tôi lập gia đình cách nay 20 năm, ở cái tuổi 34 mới cưới vợ thì cô cũng biết là tôi suy nghĩ kỹ lắm mới chịu trói buộc đời mình.

Năm đó, tôi về VN theo gia đình và được cô em gái giới thiệu một người bạn của cô ấy. Thấy cô này xinh xắn lại ngoan hiền nên tôi ưng bụng lắm, nhưng cũng tìm hiểu một thời gian mới dám thố lộ ý mình. Cuối cùng cũng nên duyên chồng vợ. Bảo lãnh cô ấy qua đây sống chung một thời gian thì tôi mới biết cô ấy không ngoan hiền như tôi nghĩ, cô ấy vừa đanh đá, hỗn xược với cha mẹ tôi lại thêm cái tính coi tiền là trên hết. Tôi đi làm về vừa lãnh lương là hỏi coi pay slip của tôi, lúc nào cũng đòi giữ tiền không cho tôi một chút riêng tư với bạn bè.Đến khi sanh đứa con đầu lòng thì cô ấy thật là quá quắt, cứ mang con ra để không làm gì hết, mọi chuyện mẹ tôi làm hết cho cô ấy ở cữ, mà cô ấy còn cằn nhằn mẹ tôi đủ thứ, mỗi khi mẹ tôi muốn bế cháu nội thì cô ấy không cho bảo làm vậy nó quen hơi tới khi không có mẹ tôi ở đây thì ai dỗ nó. Tôi đi làm về là hết nghe mẹ tôi than cả ngày không được đụng đến thằng bé, lại nghe vợ tôi than là mẹ tôi thế này mẹ tôi thế khác.

Hết thời gian ở cữ mẹ tôi về Melbourne lại thì mọi chuyện cô ấy đùn đẩy cho tôi. Đi làm về tôi phải vào bếp lo bữa ăn. Giặt quần áo, ủi đồ để đi làm. Tối con khóc thì tôi phải dậy lo cho cô ấy.Tôi không thấy một chút hạnh phúc nào trong cái tổ ấm của tôi.

                                                         photo  google.com

Khi con tôi đến tuổi đến trường thì cô ấy đòi đi làm, thế là tôi ngoài việc đi làm phải đưa đón con đi học, lo chuyện nhà cửa. Vợ tôi đi làm về là than mệt , ăn cơm xong vứt hết mọi chuyện con cái cho tôi , lăn ra ngủ.

Dạo sau này, cô ấy đi làm mà chau chuốt rât kỹ, đi thì rât sớm mà về rất muộn, tôi có hỏi thì cô ấy bảo là công việc bận rộn phải làm thêm. Mấy người bạn xầm xì là cô ta đang cặp bồ với ông chủ hãng.

Một hôm tôi bỏ công việc để theo dõi cô ấy thì thấy trong giờ làm việc cô ta đi ăn lunch với ông chủ, tan việc thì lên xe với ông ta , tôi về nhà đợi vì mất dấu , mãi đến gần 3 tiếng sau cô ta mới về.
 Tôi lớn tiếng gây gỗ thì cô ta nói nếu chịu đựng không được thì
 ly dị đi.Tôi biết cô ta chỉ muốn có thế. Nhưng tôi quá thương con tôi không muốn người khác làm cha nó để nó phải khổ lại không muốn mất đi cái gia đình mà tôi đã gầy công xây dựng. 

Mọi chuyện  tôi cứ âm thầm chịu đựng hy vọng một ngày cô ấy sẽ nhìn
 ra . Cho đến hôm nay khi ngồi viết là thư này cho cô thì cuộc sống hai cha con tôi vẫn âm thầm như vậy cô ạ. Không biết trên đời này có người đàn ông nào rơi vào hoàn cảnh bỏ không được, đi không đành như tôi không cô nhỉ.
 Cám ơn cô đã đọc hết những
 lời than thở của tôi

Người đau khổ

                                                           ***    ***


 Lá thư được chấm dứt với câu than thở não lòng: “không biết trên đời nầy có ai rơi vào hoàn cảnh bỏ không được đi không đành như tôi không …”
Trong khi chờ đợi những lời góp ý, cố vấn của cô Kim Nguyễn

Tôi xin kể hầu ông bạn có tên “Người đau khổ” nghe câu chuyện thật xảy ra trên đất nước Úc và Tân Tây Lan , để “Người đau khổ” nên tự an ủi rằng cũng có những trường hợp như mình… và họ đã giải quyết dứt khoát,êm đẹp.

Có cặp vợ chồng ông giáo sư nọ , sau năm 1975 hai vợ chồng vượt biên và được định cư tại Tân Tây Lan. Thời gian hai ba năm đầu họ sống rất hạnh phúc và có được hai đứa con trai. Lúc các con lên hai ba tuổi là thời gian bà vợ bắt đầu trở chứng. Bà tiếp thu rất nhanh nếp sống văn minh của Tây phương.Học lái xe,học nhảy đầm, đi chơi club liên tục. Ông chồng thì hiền hậu ,đạo đức nhà giáo vẫn duy trì không lăn xã vào nếp sống xô bồ. Rồi một ngày ông thầy gặp lại cậu học trò cũ. Hai thầy trò trở nên thân thiết nơi đất khách.Họ thường gặp nhau những ngày cuối tuần vui chơi, party giữa vợ chồng thầy và người học trò cũ…

Nhưng chuyện đời không ai có thể ngờ được. Sáu tháng sau ông thầy phát hiện ra vợ thầy đã rơi vào vòng tay cậu học trò cũ. Câu chuyện “trong vòng tay học trò” xảy ra ở Tân Tây Lan có vẻ táo bạo và hiện thực hơn ở Việt Nam nhiều . Những xáo trộn trong gia đình không thể giải quyết được. Kết quả là hai vợ chồng ông thầy phải đi đến ba tòa quan lớn xin xé giấy hôn thú. Cũng tương tự như các nước phương tây,ông chồng rất khó thắng về quyền giử con. Người mẹ được quyền nuôi  hai con, cho dù người mẹ có nếp sống  buông thả…

Sau khi ly dị ,cậu học trò dẫn vợ thầy và hai con nhỏ di dân qua Úc sinh sống. Bỏ lại sau lưng là ông chồng đau khổ ngày đêm gặm nhắm nổi sầu . Nhưng cặp đôi nầy có hạnh phúc không nơi xứ sở mới ? Qua Úc châu mặc dù vẫn được trợ cấp ( thời bấy giờ công dân Tân Tây Lan qua Úc vẫn được trợ cấp an sinh xã hội đầy đủ ) nhưng cuộc sống vẫn còn chật vật. Nghề ngỗng không rõ ràng, hai vợ chồng nầy phải tìm kế mưu sinh thêm bằng cách đứng bán chợ trời. Một cách kiếm tiền rất bấp bênh,ảnh hưởng rất nhiều vào trời mưa, trời nắng…ngày lời ngày lỗ.Hai người tận dụng luôn cả sức lực của hai cậu nhỏ, thế là hai cậu nhỏ phải theo mẹ và dượng ghẻ trôi dạt hết chợ trời nầy đến chợ trời khác để bán buôn còn thì giờ đâu mà học hành.

 Ông chồng thỉnh thoảng qua thăm con,thấy con mình tả tơi không được nuôi nấng, giáo dục đúng mức. Người cha không thể bỏ mặc, cha làm thầy con bán sách… ông bèn lên kế hoạch để cứu vớt đời con. Ông thương lượng với người vợ cũ chấp thuận cho mình mang con về nuôi. Sau khi trả cho vợ cũ hai chục ngàn ông được ký giấy chấp thuận cho nuôi con.

Trở về TânTây Lan hai đứa trẻ học hành chăm chỉ. Các em có gene thông minh và sự trợ lực tối đa của người cha, các em đều đậu hạng cao ở mổi kỳ thi. Mười bốn năm sau hai đứa trẻ đều tốt nghiệp bác sĩ hạng cao và làm việc tại Tân Tây Lan. Cả ba cha con sống thoải mái hạnh phúc nơi đất nước hiền hòa…



Bà vợ cũ sống lênh đênh ba chìm bảy nổi, đã ly dị với người chồng sau, nuôi một đứa con riêng. Bà ân hận về quá khứ bà đã gây ra, và muốn quay về . Bà nhờ người quen xưa nhắn nhủ muốn nối lại tình xưa hầu an hưởng tuổi già. Ông chồng cũng cương trực không kém. Các bạn biết ông chồng trả lời sao không?
 Ông trả lời thẳng thừng : “Về nói với bà ấy tôi cần một người vợ đúng nghĩa chứ không cần một người tình trên gường…”

Đọc câu chuyện trên hy vọng “Người đau khổ” tìm được một chút ánh sáng ở cuối đường hầm…

::Ben Trần::

                                      

5 comments:

  1. Cuộc sống không biết thế nào là đủ là thiếu, tình cảm cũng vậy, đôi khi đã quá đủ nhưng vẫn không hài lòng, mong rằng người trong cuộc nhìn nhau bằng trái tim không bằng con mắt

    ReplyDelete
  2. Đọc thư của người đau khổ thấy buồn ơi là buồn và tưng tức nữa,mặc dù ông bạn có rào đón trước
    Theo tôi nghĩ đời sống vợ Chồng ngoài tình yêu ,Cũng cần có sự công bằng,vợ Chồng Cùng chia xẻ những nỗi buồn,cũng như những niềm vui
    Theo như NDK kể thì cô vợ đã cắm sừng ,và không làm đầy đủ bổn phận vài trò người mẹ nữa.Một người vợ và mẹ như vậy không thể chấp nhận được
    Đừng vì lòng thương xót đứa con mà phá hủy cả cuộc đời mình NDK à,tuy đã 54 tuổi ,nhưng chưa hẳn là đã quá giá,vẫn làm lại cuộc đời
    Cứ kéo nhau ra tòa ly dị,coi tòa giải quyết thế nào? Nếu tòa cho cô vợ giữ đứa bé, NDK nên trao đổi với cô vợ để đem đứa bé về cho bà nội nuôi
    CN tôi thấy không đến nỗi bế tắc đâu,hãy cương quyết mạnh dạn lên cho xứng đáng là một đấng nam nhi

    ReplyDelete
  3. Ngọc Trâm nói đúng đấy, vợ chồng chia xẻ yêu thương , hy sinh cho nhau, đừng suy nghĩ vợ thì phải làm việc này còn chồng thì làm việc kia, người đàn bà chịu sanh con cho mình nghĩa là đã dành yêu thương cho mình. Nên nhìn vợ ở khía cạnh khác sẽ thấy vợ đáng yêu hơn mình đã nghĩ

    ReplyDelete
  4. Thùy Dung ( QLD)12 January 2014 at 05:58

    Theo em nghĩ, người vợ này đáng thương hơn đáng trách, thứ nhất cô ấy đã bỏ quê hương cha mẹ gia đình qua đây sống nơi xứa lạ quê người , thứ hai cô ấy bao nhiêu năm ở nhà làm vợ làm mẹ, khi cô ấy chưa sanh con, ít nhiều lúc anh chồng đi làm thì công việc nhà cũng do cô ấy đảm trách, chỉ vì sau khi sanh yếu ớt nên mới nhờ đến sự giúp đỡ của chồng và bà mẹ chồng, sau khi con đã khôn lớn cô ấy lại biết đi làm chung tay giúp chồng đỡ vất vả về mặt tài chính. Còn vấn đề ngoại tình thì anh chồng chưa có xác định rõ ràng, chỉ vì vợ trang điểm kỹ mà nghi ngờ, đàn bà ai mà không trang điểm khi ra ngoài nhất là nơi làm việc, nếu tất cả đàn bà trang điểm đều ngoại tình thì phải chăng thế giới này không có đàn bà đứng đắn ? còn chuyện đi ăn lunch thì với bạn hay boss làm chung đó là điều rất thường xẩy ra ở xứ tự do này, Theo Thùy Dung thì anh chồng có bịnh đa nghi vì quá yêu vợ mà sinh ra đau khổ, nếu anh có xem đoạn comments này thì anh nên suy nghĩ lại và tìm cho mình sự tin tưởng vào vợ , tạo bình an cho tâm hồn

    ReplyDelete
  5. Thùy Dung ơi, đúng như em nói, chúng ta nên nhìn vấn đề ở hai khía cạnh, không nên nhìn ở một vấn đề và đã vội quy tội cho người vợ , cám ơn sự sáng suốt của em

    ReplyDelete