23/11/2013

ÔNG JOHN HÀNG XÓM


Xin cám ơn cô hàng xóm Ngọc Trâm đã sưu tầm và gởi đến
chúng tôi bài viết lý thú
ÔngJohn hàng xóm.



  Sau 4 năm định cư ở Mỹ, nỗi thôi thúc lớn nhất của tôi là “tậu” được một căn nhà, thay vì chen chúc trong aparment đầy nhóc Mễ và Mỹ tạp.

Rồi giấc mơ cũng đến, tôi thành công trong việc mua một căn nhà cũ xì, ọp ẹp. Được cái là “cái nhà là nhà của ta, công khó cũng... ta làm ra”.



Từ chung cư dọn về nhà là một khoảng cách rất xa về... kinh nghiệm. Nói chung là tôi không có đủ khả năng sắm sửa những vật dụng cần thiết cho việc bảo trì căn nhà một cách đầy đủ. Chứng minh hùng hồn nhất là đám cỏ hàng xóm lúc nào cũng hớt tỉa tinh tươm, vườn cỏ của tôi sau 3 tuần sang chủ mới đã có đủ tư cách cho voi trú ngụ.

Vừa nhận giấy của “city” cảnh báo, còn đang loay hoay xoay xở thì một hôm có tiếng gõ cửa. Một người Mỹ, sau này mới biết là hàng xóm sát vách tôi, cách nhau cái giậu “cedar”* xanh rờn. Ông khoảng trên 70 tuổi, khuôn mặt hiền hậu, dễ nhìn và dáng dấp khỏe mạnh, xốc vác của một nông dân. Ông hỏi tôi có muốn mượn máy cắt cỏ của ông không.

Chiều đó, khi vừa thấy tôi đậu xe trước nhà là ông sốt sắng đẩy chiếc máy cắt cỏ sang. Sau khi hướng dẫn tôi kỹ lưỡng cách vận hành, cũng như biểu diễn thao tác đổ xăng, châm nhớt. Ông giao con... quái vật đó cho tôi. Nó có vẻ không khoái lắm cái gã lóng ngóng này nên từ chiếc ghế đu trước nhà, ông vội vã chạy sang giành lấy. Dưới bàn tay điêu luyện của ông, cỏ cắt đều tăm tắp và mượt mà từng đường mỹ thuật.

                                                photo www.mediaspy.com

Ông dặn dò, lần sau, nếu cần ông sẽ giúp tôi hớt tóc cho đám cỏ cho đến khi tôi có đủ đồ nghề. Cũng hôm đó, ông chỉ tôi cách cắt rìa cỏ sao cho nhanh, gọn và không... nguy hiểm đến tính mạng.

Sự vụng về, ngờ nghệch của tôi không hề làm giảm đi sự sốt sắng của ông khi lát sau ông lại sang nhà tôi với chiếc kéo cắt cây. Ông dẫn tôi ra những bụi cây lòa xòa trước hiên và chỉ cách tỉa sao cho cành nhánh gọn gàng mà đẹp đẽ. Miệng nói, tay làm, chỉ một lát là sân trước của tôi đẹp trai ra hẳn, khác với vẻ mặt đần độn, tối hù của chủ nhà.

Những việc nhỏ ông làm, luôn cho tôi một cảm giác thân tình, ấm cúng và mối cảm kích sâu xa. Tôi nghĩ mãi cách nào để đáp ơn lòng tốt của người hàng xóm, sau này ông cho biết ông tên John. Đã về hưu, đang sống với vợ, cũng hưu. Cả hai đã ở xóm này trên 20 năm và họ yêu vô cùng cái xó xỉnh này.

Nhà của ông cũng cũ kỹ như nhà tôi nhưng vườn tược ngăn nắp và xanh tươi. Ông bà trồng rất nhiều hoa quanh nhà. Khi không đủ chỗ để nhét những cây hoa, ông bà treo chúng lủng lẳng trên cành cây sồi to xum xuê trước cửa. Nơi họ đặt cái ghế xích đu mà tôi thấy cả hai luôn ngồi đó cả lúc sớm lẫn tối, khi có dịp. 

                                      photo  www.theage.com.au

Tôi nghĩ đến việc mua tặng ông bà dăm chậu lan, có lẽ họ sẽ thích và hiểu rằng tôi biết ơn họ, cũng như chứng minh rằng tôi, gã An Nam đen đúa, quê kệch này không đến nỗi cù lần.

Kể từ khi “ra riêng” những tờ bill thanh toán bay về như bươm bướm mùa Thu khiến tôi đâm... chóng mặt. Để giảm chi phí, tôi đăng báo cho “share” phòng và sau đó căn nhà tôi được tận dụng tối đa, 4 mạng dọn vào. Chủ nhà ngủ garage.

Riêng tôi vẫn nhớ còn một nhiệm vụ chưa hoàn thành với người hàng xóm tốt bụng nhưng rồi việc học, việc làm vây bủa tôi túi bụi. Cho đến một hôm, tôi nhận được một lá thư, địa chỉ và tên của ông, trách nhẹ nhàng rằng, bên tôi nên hạn chế việc đậu xe lấn qua bên vườn ông.

Hóa ra, dân số bên tôi ở quá đông nên xe thường xuyên đậu tràn qua mặt tiền ông bà. Dầu trên lý thuyết đường là của city nhưng một luật bất thành văn, thì đó vẫn là khoảng riêng tư của người chủ căn nhà đó. Tôi hiểu và dặn những người ở chung cố gắng đừng vi phạm. Nhưng lời dặn dò của tôi có lẽ tan theo mây khói, vì thứ nhất, họ vội vã, thứ hai nó tiện lợi và thứ ba, họ không hiểu được nỗi lòng của tôi. Vì rất nhiều lần, tôi lại thấy “phe ta” cứ ngang nhiên nằm ngay mũi thiên hạ.

Tôi đang bị nhấn quay vù vù trong nhịp điệu cuộc sống, thì một hôm tôi thấy bên ông treo tấm bảng to tướng “Bán nhà”. Việc đầu tiên là tôi định chạy sang thăm hỏi, và không hiểu tại sao một nơi mà ông “... đã ở xóm này trên 20 năm và họ yêu vô cùng cái xó xỉnh này.” lại ra đi. Hẳn ông có một lý do đặc biệt nào đó và lần nữa tôi lại tự trách mình chưa kịp tặng ông bà chậu lan tình nghĩa.

Quyết tâm của tôi dường như không lớn bằng cây kim và trí nhớ có lẽ nhỏ hơn nhiều lần, để rồi một ngày trở về, tôi đã thấy thợ thuyền đang rộn rã búa đinh chỉnh trang căn nhà cho chủ mới.

Ông bà đã ra đi âm thầm, im lặng, không một lời từ giã.

Đến giờ này, sau hơn 15 năm trôi qua, lòng tôi vẫn băn khoăn, thắc thỏm.

Qua mục “Cảm ơn U” của báo, tôi xin kể lại chuyện nhỏ của mình như lời tạ lỗi một món nợ ân tình chưa trả với ông John.

Mong rằng ông bà hạnh phúc  khi định cư ở một nơi nào khác, nơi đó chắc sẽ không có những gã hàng xóm hời hợt, bạc bẽo như tôi. Và đến nay tôi không bao giờ nguôi ngoai với nỗi day dứt rằng, dám sự bất cẩn của tôi là nguyên nhân làm ông bà di tản.


Dương Hồng Minh - Garland, TX
Chú thích : (*) Cedar: cây tuyết tùng, đôi khi được trồng và cắt vuông vức như bờ rào.



2 comments:

  1. Thu Cúc (Sydney)24 November 2013 at 12:57

    Truyện hay quá chứ chị Ngọc Trâm và thực tế lắm chứ. Thời gian mới định cư 3, 4 năm chúng ta chưa chắc đã hòa nhập vào phong tục dân bản xứ đâu.

    ReplyDelete
  2. Theo như chuyện kể thì anh chàng VN này đã làm phiền ông John bạn hàng xóm tốt bụng này mà không biết ,vì lý do đó mà ông ấy phải dọn nhà đi

    ReplyDelete