13/11/2014

Trở lại Hà Giang


Mấy bữa rày ở Hà Giang hay bắt gặp trên các triền núi có đặt các pano tuyên truyền cho việc sinh đẻ, thi thoảng giật mình đọc được: "Sàng lọc trước sinh, sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống". Tui dám chắc như cục đá xứ này, dân ở đây chả mấy người hiểu.



                                                ảnh Lê nguyễn Hương Trà

Thật ra, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được xây dựng tại VN từ lâu. Có thể giải thích sơ sơ vầy:
 1/ Khám tầm soát cho các bà bầu để phát hiện sớm các dị tật thai nhi, hội chứng Down, hội chứng Ewards để có các biện pháp điều trị; hoặc bỏ thai nếu có nhiều dị tật.
 2/ Thực hiện việc lấy máu gót chân sơ sinh 36 giờ tuổi đến 7 ngày tuổi, dùng kỹ thuật y khoa phát hiện thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp, tăng sản tuyến thượng thận và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh… Tuỳ theo mức độ dị tật, các bác sĩ sẽ tư vấn để gia đình đưa ra quyết định! Hiện có các TT Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đặt ở BV Phụ sản Trung ương, ĐH Y Dược Huế, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Phụ sản Cần Thơ, BV Phụ sản Hà Nội, BV Nhi Trung ương. Tuy nhiên, việc sàng lọc này lâu nay vẫn còn nhiều tranh cãi, ngay cả trong giới y khoa. Người cho rằng, nếu biết dị tật của thai rồi thì bố mẹ bỏ cho rảnh nợ phải không? Nhưng cũng không ít người ủng hộ, cho đó là bước đi lâu dài của cả xã hội, hướng tới tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.

Trên thực tế, tại nhiều tỉnh miền núi chương trình này triển khai từ 2013, nhưng đến nay vẫn chưa có 1 mẫu giấy thấm máu gót chân. Nhiều lần tui đi cung đường Tây Bắc - Đông Bắc, Hà Giang thì đến không biết bao nhiêu lần rồi; cảm xúc thì không lần nào...giống nhau nhưng cái nghèo cái khổ, cái sự nheo nhóc của người dân tộc ở đây thì chưa bao giờ thấy khác. Bọn trẻ H’Mông đi dọc các gờ đá vẫy tay khách du lịch xin bánh kẹo ngày càng đông, đứa nào trông cũng nhem nhuốc. Những bé gái 12,13 tuổi đã làm mẹ. Bệnh mắt, ghẻ lở, sốt rét, tả, lỵ, bướu cổ, suy dinh dưỡng trẻ phổ biến... Nhiều cán bộ dân tộc còn không biết chữ, hổng nghe, nói được tiếng Kinh. Đặt pano để mần gì !?

Lê Nguyễn Hương Trà
 11.2014
                                 Đoạn đường đèo lên Hà Giang và ruộng bậc thang
                                      Đường lên Hà giang(dốc Thấm Mã)


No comments:

Post a Comment