09/12/2014

Vợ nhà văn

                                :: Nguyễn Hưng Quốc
Sinh nhật của vợ tôi, Nguyệt Phạm, là ngày 6/12, nhưng sáng sớm ngày 5/12, tôi lại phải lên máy bay sang California để dự cuộc hội thảo về văn học miền Nam,


 do đó, không có mặt ở nhà trong ngày vui chung của cả gia đình. Tôi đành gửi thiệp chúc mừng sinh nhật cho vợ sớm. Và nhân ngày sinh nhật của vợ, nghĩ lan man về vai trò của vợ các nhà văn.
***
Năm 1996, lần đầu tiên về Việt Nam, tôi ghé thăm một người thầy cũ ở Hà Nội. Ở nhà thầy, tôi gặp một số bạn bè mới trong giới cầm bút. Mọi người vừa uống trà vừa nói chuyện rất tâm đắc. Bỗng dưng, nhìn đồng hồ, thầy tôi vội vã đứng bật dậy dọn dẹp mớ ly tách và hộp gạt tàn thuốc trên bàn. Vừa làm, thầy vừa nói: “Bà ấy sắp về rồi!” Thấy tôi có vẻ hơi ngạc nhiên, thầy giải thích: “Bà nhà tôi khó tính lắm cậu ạ. Mình bê bối quá: la; mình mê mải đọc sách lâu quá: cũng la; mình tập trung viết lách quá: cũng la. Mình la cà lâu với bạn bè quá: cũng la. Khổ lắm cậu ạ!” Sau đó, có lẽ để tránh cảnh chúng tôi gặp cô, thầy rủ chúng tôi ra tiệm vừa nhậu nhẹt vừa tán gẫu. Trong cung cách rủ rê của thầy, có cái gì như hối hả chạy trốn.

Đến nhà nhà văn Võ Phiến nhiều lần, tôi thấy một cảnh tượng hoàn toàn ngược lại: Hiếm có người phụ nữ nào chăm sóc chồng và sự nghiệp viết lách của chồng một cách cần mẫn và tận tuỵ như bác gái. Bà chăm sóc cho ông từng miếng ăn, từng viên thuốc. Bản thảo ông viết tay, bà đánh máy lại và giữ gìn cẩn thận. Nghe ai khen ông, bà mừng hớn hở; nghe ai phê phán ông, bà đùng đùng nổi giận. Cách nhìn của bà đối với ông lúc nào cũng đầy âu yếm. Mỗi lần tôi nói chuyện với bà, dù gặp mặt hoặc qua điện thoại, đề tài của bà bao giờ cũng châu tuần về ông. Hỏi thăm bà về bệnh tình của bà, bà đáp qua loa vài câu rồi cũng quay về với chuyện sức khoẻ của ông. Tôi từng chứng kiến nhiều lần, khi nói về các căn bệnh già của ông, mắt bà cứ rơm rớm như sắp khóc. Tôi nghĩ, một trong những lý do chính khiến Võ Phiến có thể viết nhiều và viết đều đặn như vậy là vì ông có bà bên cạnh.

Tôi cũng thuộc loại may mắn. Ở nhà, tôi không những không bị la rầy về việc mê mải đọc và viết hay việc bày sách báo bừa bộn trên bàn mà còn được miễn làm hầu như tất cả mọi việc. Nấu cơm: không. Rửa chén bát: không. Hút bụi: không. Giặt đồ và ủi đồ: không. Cắt cỏ: không. Cả ngày, tôi không nhúng tay vào bất cứ công việc nào cả. Tôi được miễn hoàn toàn những công việc lặt vặt vô danh nhưng ngốn rất nhiều thì giờ trong ngày. Để chỉ tập trung vào hai việc mà tôi đam mê nhất: Đọc và viết. Nếu không đọc hoặc viết thì cũng ngồi tưởng tượng vớ vẩn hay nghĩ ngợi mông lung về những điều mình sắp viết.
Không những chỉ thông cảm miễn trừ cho tôi mọi công việc trong nhà, vợ tôi còn là người đầu tiên đọc phần lớn những gì tôi viết. Thường, tôi viết rất nhanh, do đó, hay vấp phải một số lỗi đánh máy. Vợ tôi là người sửa chữa tất cả những lỗi sai ấy của tôi.
                                                   Hình minh họa  afamily.vn
Sực nhớ một câu nói đã thành sáo ngữ, ai ai cũng nhớ và thỉnh thoảng lại nhắc: “Sau lưng một người đàn ông thành công bao giờ cũng có một người phụ nữ đảm đang.” Câu ấy, theo tôi, càng đúng trong trường hợp người ấy là nhà văn, đặc biệt là nhà văn Việt Nam, đặc biệt hơn nữa, nhà văn Việt Nam ở hải ngoại.
Tại sao vai trò của phụ nữ lại quan trọng đối với nhà văn, hơn nữa, nhà văn Việt Nam?
Câu trả lời, theo tôi, khá đơn giản: Nghề viết văn là nghề cần nhiều sự tập trung nhất nhưng mang lại lợi nhuận ít nhất. Người khác có thể làm việc mỗi ngày 8 tiếng, hoặc, nhiều lắm, 10 tiếng; còn nhà văn? Có khi cả 24 tiếng. Không có hứng thì thôi, chứ khi đã có đề tài nào đó ám ảnh trong đầu rồi thì ngay cả khi ngủ vẫn không thoát được. Cứ trằn trọc. Cứ thao thức. Cứ đăm đăm suy nghĩ. Nhưng để được gì, về vật chất? Những nghề khác, có thể mang lại lợi tức, có khi rất lớn.
 Như một bác sĩ hay một luật sư, chẳng hạn. Họ loay hoay, cặm cụi với nghề mà lơ đễnh việc nhà thì cũng đáng. Vợ con họ vẫn có thể rất vui. Nhưng còn nhà văn? Với các nhà văn ngoại quốc, nhất là ở các nước lớn, độc giả đông, nhuận bút nhiều, đời sống có thể rất vương giả, vợ họ không cằn nhằn cũng phải. 
Với các nhà văn ở Việt Nam hiện nay, với dân số 90 triệu người, nếu ăn khách, bạn cũng có thể xem đó là một nghề: Không có người vợ nào phản đối việc bạn hành nghề để kiếm sống, dù sống một cách chật vật. Nhưng còn ở hải ngoại? Theo chỗ tôi biết, lâu nay, nghĩa là từ năm 1975 đến nay, không có một nhà văn Việt Nam nào có thể sống được bằng tiền nhuận bút. Làm báo thì có. Nhưng viết văn thì không. Hầu như tuyệt đối không. Khi không thể kiếm tiền, việc viết lách trở thành một trò chơi. Đúng nghĩa là một trò chơi.
Phải kiên nhẫn và bao dung lắm, người vợ mới có thể chấp nhận cho chồng mình chơi cái trò chơi vô bổ ấy từ năm này sang năm khác. Phải nói đó là một sự hy sinh.
Không có sự hy sinh ấy, tôi tin không có người nào có thể tiếp tục cầm bút để viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác được.
TS Nguyễn Hưng Quốc

Top of Form

Bottom of Form


No comments:

Post a Comment