31/10/2014

Tầm sư học đạo


                                                                      ::Nguyễn Hoa Lư
Mấy đêm thức trắng, đọc hết sách này sách nọ, lại hăm hở lên mạng, tra tra cứu cứu, tôi


 càng lúc càng có cảm giác như mình đang đi lạc trong một màn sương mù ngày một dày hơn. Đành đến gõ cửa một giáo sư danh tiếng, nhiều năm dạy “Lịch sử Mác-Lênin” ở một trường đại học hàng đầu, rụt rè nói:
“Thưa giáo sư, tôi có thắc mắc không biết hỏi ai, nếu giáo sư không phiền lòng…”
Giáo sư ha hả cười: “Cánh cửa nhà này luôn luôn mở rộng chào đón những người ham hiểu biết”. Câu hỏi chỉ một dòng ngắn, nhưng tôi đã cẩn thận ghi nắn nót lên một tờ giấy. Tôi kính cẩn đưa cho vị giáo sư. Ông nghiêm nghị đọc rồi tận tình giảng giải. Năng lượng của giáo sư dồi dào, ông nói thao thảo cả hai tiếng đồng hồ không nghỉ. Nhưng cái đầu của tôi, than ôi, cái đầu của tôi không sáng lên được chút nào mà dường như càng mù mịt tối tăm hơn.

Không chán nản, tôi đến gõ cửa giám đốc một ngân hàng. Ông bối rối nói: “Là chuyên gia kinh tế nhưng quả thật tôi chưa từng nghiên cứu về điều này. Ông có thể đến tổng công ty… gặp giám đốc… Ông ấy đã từng nói về điều này trong một hội thảo”. Tôi tìm đến tổng công ty… Người ta cho biết ông giám đốc vừa được điều ra Bộ, nhận trọng trách mới. Ôi, nước non ngàn dặm…
Tôi đi lên núi, tìm đến một đạo sĩ. Trong thiền thất, ngài đang ngồi suy tư trước một bếp lửa rừng rực cháy. Tôi đưa cho ngài tờ giấy ghi câu hỏi. Ngài liếc mắt nhìn, trầm ngâm một lát rồi sai tôi ra giếng bưng vào một chậu nước. Ngài gạt trong bếp ra một hòn than đỏ rực, nói:
“Hãy nuôi ngọn lửa này trong chậu nước!”.
Thôi rồi, vị đạo sĩ này tẩu hỏa nhập ma mất rồi! Tôi lẳng lặng xuống núi. Giữa đường, gặp một gã tiều phu, dáng dấp thư sinh, mặt mày sáng sủa. Hỏi ra mới biết anh chàng này quả đã có bằng cử nhân, gõ mãi mà không cánh cửa nào chịu mở cả. Tôi ngồi xoa đôi chân tê cứng, buộc miệng than thở hoàn cảnh bi ai của mình. Chàng tiều phu cầm câu hỏi của tôi, nói ngay:
“Trời đất mênh mông, chỉ một người có thể giải được câu hỏi của bác, tất cả những người khác, nếu trả lời đều là giả dối hoặc khác loác mà thôi. Là người này…”.
Nói rồi ghé tai tôi nói nhỏ. Tôi thất kinh, bỏ chạy thục mạng. Gã tiều phu gọi với theo: “Sao bác không cầm câu hỏi đi theo. Bác nhớ câu hỏi chưa? Cháu nhắc lại để bác khỏi quên đó nhá. Kinh tế thị trường định hướng Xờ…Hờ… Chờ…Ngờ.., bác… nhớ… nh…á…”.

::Nguyễn Hoa Lư


No comments:

Post a Comment