27/01/2015

Tôi và thời gian (6 )

                      ::Kim Nguyễn ::
Rời bỏ vùng nắng ấm, tôi bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi đau không nuối tiếc, nhìn về phía trước mịt mù mà dò dẫm bước.



Đón tôi là cậu em rể và hai người bạn của cậu ấy, chúng tôi đến tá túc nhà chị ruột của cậu em rể, chị ấy qua đây từ nhửng ngày đầu nên rất vững chắc. Ba mẹ con share lại một căn phòng nhỏ không bàn ghế chỉ có mỗi một chiếc giường tầng. Việc trước tiên tôi nhờ chồng chị ấy là xin học Anh văn cho hai con và tôi. 

Nơi tôi ở khí hậu khắc nghiệt vô cùng, những ngày nóng thì rất nóng mà những ngày lạnh thì vô cùng lạnh, ngày nào 3 mẹ con cũng cuốc bộ cả cây số ra trạm xe lửa để đi học, đi với các con đến trường xong tôi quay về lớp của mình để học, thời gian này tôi ngoài giờ học thì lo cơm nước cho cả gia đình , tối đến tập may với chị bạn, chị ấy giúp tôi lên bộ Xã Hội xin tiền trợ cấp. 

Bộ xã Hội buộc anh phải có trách nhiệm với con và họ bắt anh cấp dưỡng một tháng 300 đô cho hai đứa bé. Tôi thật sự không muốn dây dưa và mang ơn người đàn ông này, tôi nói chuyện với anh ấy và yêu cầu anh viết một lá thư từ chối trợ cấp để tôi nộp cho BXH, nếu không họ sẽ trừ thẳng từ tiền lương của anh hàng tháng cho con tôi.

Anh gửi lá thư cho tôi, nhìn lá thư đó tôi rất buồn nhưng đó là ý của tôi , với đồng lương ít ỏi của anh, nếu gửi cho con tôi thì anh còn bao nhiêu để lo cho anh ? Không phải tôi cao thượng muốn giúp đỡ anh mà chỉ vì không muốn dây dưa với cái quá khứ nhiều đau buồn đó.Cũng là một cách trả ơn anh đã đem mấy mẹ con qua đây dù anh đi được là do tiền của của tôi, nhưng nếu anh quay lưng thì cũng là chuyện thường tình mà thôi, anh còn nghĩ đến các con lo cho nó cũng tròn đạo lắm rồi.

Thời gian này mấy người bạn đi chung tàu của cậu em rể có thành lập một ban nhạc và cần một ca sĩ nữ, tôi ngày xưa khi còn ở Việt nam cũng từng hát ở trường , phòng trà và Ti Vi, nên ban nhạc Viễn Phương ở đây đến thử giọng và tôi chính thức hát cho ban nhạc này mỗi đêm thứ bảy và chủ nhật , hát cho dạ vũ và đám cưới như vậy một đêm cũng kiếm thêm được 100 đô thêm tiền sách vở , quà sáng cho con .

Cuộc sống tưởng như vậy là êm đềm, nhưng sự săn sóc một cách chân tình của chồng chị bạn ( chị của em rể) với mẹ con chúng tôi, như khi tôi tan học thì anh ấy nói sẵn đi ngang đón về dùm, cho tôi mượn sách học lái xe, dạy tôi học lái không tính tiền( anh làm thầy cho trường dạy lái xe). Tôi hiểu những điều đó có thể là do lòng thương hại mà nên, nhưng có người vợ nào chấp nhận cho chồng mình chăm sóc một người đàn bà khác ??? đôi khi thấy ánh mắt có vẻ không hài lòng của chị , tôi đã nghĩ đến chuyện dọn đi , nhưng đi đâu và làm sao ?? thì quả thật tôi không biêt được, đem chuyện này bàn với anh em trong ban nhạc, họ sẵn sàng cho tôi đến tạm trú, nhưng ai cũng có gia đình , tôi không muốn tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa nên từ chối hết , trong ban nhạc bấy giờ có một anh còn độc thân, anh bàn với tôi sẽ giúp tôi thuê một căn flat nhỏ cho ba mẹ con sống. Thuê nhà bên này người đi thuê cần có việc làm họ mới cho , nên anh đứng tên thuê nhà dùm tôi. 

Thời gian trôi một cách lặng lẽ, Nhận thấy anh là người đàn ông trầm tĩnh, có trách nhiệm và thương hai đứa con tôi như con ruột của anh, chúng tôi đã góp gạo thổi cơm chung, anh đưa đón con tôi chăm sóc chúng như con ruột, chúng cũng thương anh và coi anh như ba của chúng.

Tôi học xong 500 giờ sinh ngữ, trường tôi giới thiệu giúp đỡ cho tôi học uốn tóc không tốn tiền , khóa học là 4 năm, suy nghĩ ghê lắm cuối cùng tôi từ chối, tôi muốn dành thời gian học cho con tôi còn tôi đi làm kiếm tiền lo cho chúng nó, thế là tôi xin vào hãng may cắt chỉ, ngoải giờ cắt chỉ tôi xin chị chủ cho tôi học may không lấy tiền lương. Có lần tôi đang may thì chị chủ đi ngang nói tôi thay chân vịt đạp dằn, quả thật lần đầu leo lên cái máy công nghiệp tôi còn không biết xỏ chỉ ra sao thì chân vịt là cái gì làm sao tôi biết được, chị trở lại và lớn tiếng
-Trời ơi, cái chân vịt mà không biết thì làm ăn cái con mẹ gì nghỉ đi cho rồi.

Tôi tủi thân rớt nước mắt, một cô bạn ngồi may kế bên đứng bật dậy nắm tay tôi:
-đi về, về nhà tui chỉ cho may, tui lãnh đồ về hai chị em may.
Cũng nhờ người bạn nhiệt tình này mà tôi trở thành một người thợ may giỏi, tôi may quần tây, áo vest, áo dạ hội và kiếm được rất nhiều tiền từ việc may hàng mẫu cho các hãng may. Lúc này cô em út ở đảo cũng qua tới Úc, hai chị em bàn với nhau và mướn một căn nhà khác rộng hơn, hai chị em ở chung tiện chăm sóc cho nhau.
Ngoài giờ học con gái tôi xuống lốc phụ với mẹ, nhưng đến năm lớp 11 thì tôi không cho nó phụ nữa. Nhớ có lần nó thấy tôi thức hai ba đêm liền cho xong mớ hàng kịp giao nó lại lò mò xuống phụ, tôi đuổi nó lên nhưng nó không chịu lên, giận quá tôi tát nó một cái và khóc.
 -Con muốn học hay là con muốn suốt đời ngồi may như mẹ ?
Và thế là con bé đành lo học, cuối năm lấy được điểm cao vào trường Dược, ngày con thi đậu tôi mừng đến không ngủ được, con đã có một tương lai rộng mở không bỏ công tôi đã vất vả vì con. Thằng bé thứ hai cũng vào Đại Học. 

Tôi xem như mình đã nhẹ gánh lo rồi.
Rồi tôi bắt đầu lo cho mẹ tôi, khả năng không có tôi mua cho bà một căn nhà nhỏ, cũ kỹ che nắng che mưa ( sau này khi khá hơn tôi gửi tiền về cho mẹ xây nhà lầu khang trang) để mẹ và em tôi sống bình yên hơn những ngày cuối đời của mẹ.
Lúc này tôi mới nghĩ đến chuyện sanh cho anh một đứa con , tôi không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên anh , anh từng nói vớ tôi :
-Khi nào em nhẹ gánh lo thì sanh cho anh một đứa con , anh chỉ muốn khi mình nằm xuống thì có người choàng áo sô cho anh vui thôi.
Khi các con đều đã vào đại học , tôi sanh cho anh một thằng con trai kháu khỉnh dễ thương .

Con gái tôi ra trường , mua pharmacy , nó không muốn tôi ngồi đạp máy may lọc cọc nữa, nó kêu tôi đi học một khóa assistance, sau đó tôi học thêm khóa Dispensary để phụ giúp con trông nom shop, cuộc sống dễ thở hơn, chồng tôi vẫn đi làm và chúng tôi có cuộc sống vô cùng hạnh phúc, anh rất thương tôi, lo lắng cho tôi, anh đơn giản không cầu kỳ và quan trọng nhất là trong mắt anh chỉ có gia đình và vợ con , anh hy sinh hết thú vui của mình , đặt vợ con lên trên hết.

Các con tôi cũng đã lập gia đình , đã cho tôi những đứa cháu nội cháu ngoại, kháu khỉnh thông minh, Chúng tôi đã quên đi quá khứ nhiều buồn tủi đó để tiếp tục đi tới trong hạnh phúc cuối đời.

Đến hôm nay ngồi viết lại những giòng ký ức này, dù mọi chuyện đã qua lâu lắm rồi, dù tất cả đã là quá khứ, nhưng tôi mong muốn những ai ít nhiều có mặt trong cuộc đời tôi , hiểu tôi, biết rõ về tôi hơn và quan trọng duy nhất một điều tôi muốn nhắn nhủ cùng các con là dù gặp bất cứ chông gai nào hãy đạp lên nó mà đi, gai làm đau chân nhưng qua được nó thì sẽ hết đau.

Cuộc đời tôi là như vậy không có gì mà tôi chưa trải qua, không có nỗi đau nào mà tôi chưa nếm trải , tôi cũng không dấu diếm không màu mè khoác cho mình một cái vỏ bọc tuyệt vời mà che đi cái qua khứ u buồn của mình , dù hiện tại ai nhìn thấy tôi cũng ngưỡng mộ hạnh phúc mà tôi đang có.

Tôi đứng lên được như ngày hôm nay một phần nhờ tôi kiên cường và một phần nhờ tôi đã gặp được những người bạn thật tốt , họ đã giúp đỡ tôi khi tôi gian nan, tôi luôn mang ơn các bạn và mong rằng lời cảm ơn này sẽ đến các bạn , tôi dù ở nơi đây có hạnh phúc này vẫn luôn cầu mong ơn trên ban bình yên và xin chia sớt hạnh phúc này đến các bạn yêu dấu của tôi .

 Tôi cũng xin cảm ơn thượng đế đã cho tôi gặp anh , người bạn đời tuyệt vời , người đàn ông đúng nghĩa , có một trái tim nhân hậu và hiền hòa. Cảm ơn anh .
HAPPY ENDING
:: Kim Nguyễn ::

       

4 comments:

  1. Câu chuyện quá cảm động , quá hay, cái kết quá có hậu. Chúc mừng cô Kim Nguyễn có một bến đỗ an toàn và một gia đình hạnh phúc

    ReplyDelete
  2. Happy Ending chúc mừng cô Kim có một gia đình như cô mơ ước. Tôi xin có một thắc mắc là người xưa của cô có một cái kết như cô không ? nếu là tui chắc tui buồn và ân hận lắm

    ReplyDelete
  3. Cám ơn anh Tám Tàng, em không quan tâm đến những người và chuyện buồn trong quá khứ, em chỉ nhìn phía trước mà đi tiếp thôi anh ạ.

    ReplyDelete
  4. Thùy Dung ( QLD)31 January 2015 at 17:27

    Chúc mừng chị Kim Nguyễn có một kết cuộc đẹp như mong ước của nhiều người , chúc chị luôn luôn nhiều nghị lực và hạnh phúc

    ReplyDelete