25/01/2015

Tôi và thời gian (phần 5)

Xin mời các bạn đọc tiếp hồi ký của bạn Kim Nguyễn, đã đến hồi gây cấn rồi các bạn ơi...



TÔI VÀ THỜI GIAN  (5)
                               ::Kim Nguyễn::
Đến lúc này thì cậu em trai áp út của tôi bỗng dung bịnh nặng, nó cứ đập đầu vào tường vì đau nhức, ói mửa , một bên chân bị bại xụi không đi được, cô em kế tôi đưa đi bác sĩ cũng chỉ là những viên giảm đau nhức vớ vẩn.
 Đi bán về nhìn em tôi như vậy , tôi gọi xe chở nó vào bịnh viện, một ít tiền cho bác lao công , em tôi được đưa vào khám trước, một ít tiền cho cô y tá, em tôi được làm xét nghiệm tủy trước, kết quả cho biết em bị nhiễm trùng não, cũng may là tôi đã không chần chờ mà quyết định nhanh chóng, nếu không có lẽ …..một mũi thuốc là một chỉ vàng theo thời giá đó, tôi may mắn làm nghề phân kim nên mới lo được cho em, mọi chuyện cũng qua. Lại một lần cảm ơn trời Phật.

Rồi ngày chia tay mẹ và các em cũng đến , trong thời điểm đó được đi chính thức như tôi là niềm mơ ước của bao nhiêu người, nhưng tôi không thấy vui chút nào, lòng buồn rười rượi, mẹ và các em còn đang ở nhờ nhà cô em gái kế, biết rằng nó cũng sẽ phải cưu mang mẹ và em, nhưng ai hiểu nó hơn tôi?
 Chị em bên nhau từ nhỏ nên tôi hiểu và thương em tôi lắm, nó quá hiền lành , không làm gì ra tiền lại còn 3 con nhỏ, nếu nó là người bản lãnh như tôi lo hết trong ngoài có lẽ tôi không ưu tư như vậy, mẹ và 3 đứa em còn lại hẳn là gánh nặng của nó, nhưng biết làm sao vì tôi còn hai đứa con và cả một tương lai cho các con của mình mà người làm mẹ như tôi không thể nào phó mặc giòng đời được. Hai mẹ con khóc suốt đêm , cầm tay mẹ tôi nói:
-Mẹ đừng buồn, ở xứ tự do con sẽ cố gắng làm việc lo cho mẹ và các em tiếp, con ở đây tuy kiếm ra tiền nhưng mẹ cũng biết buôn bán chui mà , nó bắt lúc nào không biết lại uổng công xúc tép nuôi cò
Mẹ tôi nói:
-Con qua bên đó có gì ráng lo cho em con , hai chị em đùm bọc nhau mà sống.
Tôi đi để lại vàng và cửa hàng cho cô em kế tôi, mặc dù dặn dò em rất kỹ, buôn bán ra sao, người nào tin được người nào không. Nhưng tôi đi chưa được bao lâu thì em tôi bị gạt hết cả vốn liếng và cửa hàng , trở về tay trắng hoàn tay trắng. 
---
Đón tôi ở phi trường với bó hoa và nụ cười, anh cho tôi một niềm tin và niềm hy vọng . Anh đưa tôi về can flat nhỏ , sạch sẽ, gọn gang. Bước chân vào nhà , một cảm giác lạnh lẽo , sự thông minh nhạy bén cho tôi biết căn nhà này mới thuê không người ở, tôi hỏi thì anh nói
-Trước kia anh ở một mình nay có vợ con nên người chủ không cho thuê anh phải thuê chỗ khác.

Sau một đoạn đường bay mệt mỏi , các con tôi lăn ra ngủ mê mệt. Anh chở tôi ra siêu thị, trên đường về anh ghé vào một bờ sông cho tôi chụp vài tấm ảnh, hai đứa ngồi trên xe , anh bắt đầu khóc anh xin lỗi tôi và cho biết anh đang chung sống như vợ chồng với một cô gái và hiện cô ta đang có thai 5 tháng.
Tôi chết lặng cả người, toàn thân cứng như đá đè, nước mắt tôi lăn dài không nói một lời. Cả hai giữ im lặng khá lâu, cuối cùng tôi nói:
-Sao anh không cho tôi biết trước khi tôi đi ? Tôi có thể cho các con đi và tôi ở lại, bên đó tôi có việc làm vững chắc, bây giờ anh mang tôi qua đây, không có việc làm hai con nhỏ , tôi phải làm sao???
Anh nói với tôi
-Anh biết em có thừa khả năng để giải quyết chuyện này, em quá cứng cỏi, còn cô ấy thì không thân nhân họ hàng , nếu em và cô ấy có thể sống chung , cô ấy biết lốc em học may cả hai có thể nương dựa nhau làm ăn.
Tôi bật cười trong nước mắt.Suy nghĩ của anh thật đơn giản như một đứa trẻ con .Tôi lại phải tự mình bơi mà thôi, nhưng nơi đây, chung quanh là người xa lạ, không biết lái xe, tiếng anh thì bập bẹ, tôi phải làm sao để bắt đầu cơ chứ ?

Trở về nhà nhìn hai con , nhìn chúng như có ai cầm dao đâm nát trái tim mình. Mẹ đã vì các con bỏ lại sau lưng tất cả chỉ mong các con có được một gia đình hoàn chỉnh vậy mà nay đem con qua đây giam các con giữa bốn bức tường không bạn bè không người thân, tôi thường bắt gặp con trai tôi nhìn lên trời khi thấy máy bay bay ngang qua và khóc, suy nghĩ của nó lúc đó hẳn mong chiếc máy bay đó đáp xuống đưa nó về nơi có tiếng cười .của bạn cùng lứa , của những đứa em con cô em kế , nhất là nó có thể hiểu mọi người nói gì , còn ở đây họ nói thứ ngôn ngữ mà một đứa trẻ nhỏ xíu như nó không thể hiểu được.
Nhìn các con như vậy tôi đau lòng lắm, tinh thần suy sụp nhiều lần tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng chết rồi thì ai lo cho con ? người đàn ông này co thể tin tưởng được không ? còn mẹ và các em ở VN nữa . Tự nói với mình" đứng lên đi tiếp" , lấy nước mắt rửa mặt nhiều ngày cuối cùng thì mạnh mẽ đứng lên
Anh ban ngày đi làm , tan sở ghé thăm mẹ con tôi xem có cần gì rồi lại đi mất, hai ba ngày thì chở các con qua thăm cô ấy.

Tôi hoàn toàn bế tắc , không biết mình phải vẫy vùng ra sao, anh chở cô ấy qua gặp tôi hy vọng hai người đàn bà có thể giải quyết nỗi bế tắc này, nhìn cô tôi thấy thật thương hại cho cô ấy, mệt mỏi vì mang bầu lại bị lôi vào vòng xoáy này, cô đáng thương hại vì tuy cô biết anh có vợ nhưng vẫn đeo bám anh , vì tôi biết anh rất ngon ngọt khó lòng mà cưỡng lại nét đẹp trai ăn nói ngọt ngào của anh. Tôi thương hại cô vì cô không họ hàng thân thích đành phải bám vào anh. Chúng tôi không nói năng gì cả , tôi chỉ nói anh đưa cô ấy về đi , cho tôi thời gian suy tính.
---
Qua Úc này đã hai tháng, chúng tôi không giải quyết được chuyện gì, các con vẫn chưa được đến trường học, tôi rất sốt ruột , có vài tờ báo VN trong nhà, tôi lật xem tình cờ thấy hội từ thiện Công Giáo, tôi gọi điện thoại gặp sơ Maria , sau khi nghe tôi kể lể, Sơ khuyên tôi nên vì con mà nhẫn nhịn vì tôi có làm phép hôn phối nhà thờ với anh( anh đạo gốc) , dưới Chúa thì chỉ có tôi là vợ anh mà thôi. Lời khuyên ấy tôi rất muốn nghe theo nhưng tôi làm tròn đạo Chúa còn anh thì sao ?

Tôi gọi điện thoại cho một luật sư người Việt, anh giải thích cho tôi hiểu tôi sẽ có quyền lợi gì khi ly dị với chồng tôi. Nắm vững mọi chuyện, tôi gọi điện thoại cho cậu em rể ( chồng cô út) đang ở tiểu bang khác, tôi cho cậu ấy biết tôi có ý định xuống tiểu bang này cho có chị có em , sau khi bàn luận , tôi quyết định ra đi.

Quả là một quyết định khó khăn cho một người đàn bà với hai đứa con nhỏ và một tương lai mù mịt, Tôi suy nghĩ ghê lắm , nhưng nếu tôi không mạnh mẽ đứng lên thì con tôi sẽ phải khổ , tương lai nó sẽ không có , tôi như con gà mẹ, phải xòe cánh ra bảo vệ con mình khỏi con diều hâu hung dữ mà thôi. Sau nhiều đêm dài suy nghĩ, tôi đi bộ gần 2 cây số để mua vé cho chuyên tàu định mệnh.

Sau khi soạn hết quần áo tôi báo cho anh biết và nhờ chở tôi ra trạm xe lửa xuyên tiểu bang, tôi cho các con một sự chọn lựa, chúng đòi theo tôi, anh đưa mấy mẹ con ra xe, tôi quay mặt đi dấu hàng nước mắt, không phải tôi khóc vì tiếc anh mà khóc vì thương đứa con gái của tôi, Nó khóc ghê lắm , chiếc xe lăn bánh nó kịp ném trả lại con gấu bông cho anh, mà người phụ nữ kia đã mua cho nó . Nó đã quyết định theo mẹ và trả lại sau lưng những bất công không tình người của cha mình. Mẹ thương các con lắm , các con có hiểu hay không ??????
(xin xem tiếp phần 6)


Bottom of Form


5 comments:

  1. Đăng lên tiếp câu chuyện của Kim Nguyễn phần 5 để anh Tám Tàng và các bạn khác thưởng thức cuối tuần nhe. Đang tìm hình ảnh của tác giả để đăng lên cho bạn Thùy Dung xem để mai mốt Thùy Dung gặp là đãi Kim Nguyễn chầu cà phê nhe....

    ReplyDelete
  2. Thùy Dung ( QLD)25 January 2015 at 21:21

    Thùy Dung muốn nghe bình luân của anh Ben về " câu Hồng nhan gian truân" có đúng trong trường hợp của chị Kim không mà sao chị ấy bời ngược giòng hay quá, gặp Thùy Dung chắc TD chìm lĩm dưới giòng đời này rồi,
    TD chưa biết mặt chị Kim ma hỏi anh Ben có phải chị ấy đẹp không mà mà không trả lời làm TD cứ trông câu trả lời của anh mãi

    ReplyDelete
  3. Xin trả lời chị Thùy Dung về câu Hồng nhan đa truân chắc là đúng vào trường hợp nầy chỉ 50% thôi ,còn 50% lại rơi vào hoàn cảnh của đất nước mình; Chế độ cộng sản nó đẩy mọi người có hồng nhan hay không hồng nhan vào bể khổ như nhau. Cái hay là bạn tự đấu tranh lại để chống chọi với nghịch cảnh trớ trêu.

    Địa chỉ của Ben là ben.tran81@gmail.com chị cứ liên lạc và tui gởi hình KN cho xem, nếu không vui lòng chờ vài ngày tui tìm hình và post lên đây.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn em Thùy Dung, chị thì chả hồng nhan với bạch nhan gì cả, nhan sắc cũng thuộc loại thiên hạ không phải chết khiếp khi nhìn thấy mà thôi, sau 75 thì như anh Ben nói Hồng hay Bạch thì đứng ở chợ trời cũng thành Hắc em ạ, có điều mỗi người mỗi tánh, chịu đựng giỏi hay không thôi, , cuộc sống qúa sung sướng khiến con người mất đi sự chịu đựng, cũng như bên này người ta dễ stress dễ Depression , nếu không thì Bác Sĩ Tâm Lý bên này thất nghiệp hết thì sao. Nên dung nhan không quan trọng, quan trọng là trái tim và khối óc giúp cho mình đúng vững thôi em ạ. Các cụ xưa cứ đổ lỗi cho nhan sắc, có những người thật xấu nhưng họ cũng thật gian truân sao ai cũng không nói đến, có phải chăng chỉ vì có nhan sắc mà ai ai cũng chú ý đến chăng ? chị thì không tin 4 chữ HNĐT mà chỉ tin là con người hễ gặp nghịch cảnh thì phải đương đầu cho dù xấu đẹp mà thôi chứ đừng đổ lỗi " Tôi gian truân vì tôi có nhan sắc ông trời đã định cho tôi thế"

    ReplyDelete
  5. This blog was... how do you say it? Relevant!! Finally I've found
    something that helped me. Many thanks!

    ReplyDelete