18/09/2014

Sự tử tế của những người lái xe buýt ở Úc


                                                                                                                         ::Jaka Ahmad::
Câu chuyện về một sinh viên Indonesia bị khiếm thị và lòng tốt của những người lái xe buýt tại Adelaide đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.


Một chuyến xe buýt ở Adelaide, Nam Úc, đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng của sinh viên người Indonesia Jaka Ahmad. Câu chuyện này ban đầu được anh chia sẻ với Australia Plus Indonesia và sau những phản ứng tích cực từ mạng xã hội chúng tôi quyết định dịch câu chuyện này sang các ngôn ngữ khác.

Tôi thích các chuyến chu du và khi tôi đi đến thăm các thành phố, một trong những điều tôi thích nhất là khám phá hệ thống phương tiện công cộng như xe buýt và tàu.
Tôi đã quen với sự hỗn loạn của giao thông ở Jakarta (Indonesia ) nên việc làm quen với hệ thống đường xá trật tự của Adelaide không mất quá nhiều thời gian. Tại thủ đô của Indonesia, tôi phải chạy để vẫy gọi xe buýt sau đó hỏi họ đang đi đến đâu và phải nhảy xuống xe khi xe vẫn còn đang chạy. Tại Adelaide, tất cả những gì tôi phải làm là đứng ở bến đỗ và vẫy chiếc que màu trắng của tôi để xe buýt biết và dừng lại.
Một buổi chiều khi tôi trên đường về nhà theo tuyến đường quen thuộc. Trước khi ngồi xuống, tôi cho người lái xe biết tôi cần xuống bến 22.
            Jaka vẫy xe buýt ở bến xe quen thuộc của mình. (Ảnh do Jaka cung cấp)
Tôi thường ngồi ở một vị trí ưu tiên ở phía trước vốn dành cho người tàn tật và người già, nhưng lần này tôi lại ngồi cách xa người lái xe hơn. Và trên chặng đường tôi đã giải trí bằng cách nghe nhạc.
Một lúc sau chiếc xe dừng lại và người lái xe vỗ vào vai tôi.
“Anh phải xuống bến 22 phải không?” người lái xe nói. “Xin lỗi, tôi quên mất. Chúng ta đã ở bến 18.”
Tôi đứng dậy và định ra khỏi xe nhưng người tài xế bảo tôi là đường này không có lối qua đường cho người đi bộ.
“Nếu anh xuống xe anh sẽ gặp khó khăn khi qua đường một mình,” ông nói. “Để tôi giúp anh. Hoặc anh có thể đi tiếp đến bến 16, có lối dành cho người qua đường ở đó và anh có thể sang đường và lên một chiếc xe buýt ở bến đối diện một cách an toàn để quay trở lại bến số 22.”
Tôi lúc đó vẫn còn rất giận, không nói một tiếng, tôi quay lại chỗ của mình.
Khi chúng tôi đến bến số 16, tôi xuống xe và người lái xe đi cùng tôi đến chỗ qua đường. Ông ấn nút qua đường và đợi cùng tôi.
“Ông nên quay trở lại xe buýt thì tốt hơn,” tôi nói. “Những hành khách khác sẽ bị trễ giờ của họ.”
“Tôi sẽ đưa anh qua đường và sau đó tiếp tục chuyến đi của tôi,” ông nói.
Tôi bắt đầu nguôi giận với ông ấy.
“Tôi sẽ ổn thôi. Tôi có thể qua đường một mình. Đây là một lối qua đường rất an toàn. Ông không phải lo lắng,” tôi cố gắng thuyết phục ông ấy. “Những hành khách khác sẽ bị trễ giờ và ông có thể sẽ phải nhận những lời than phiền.”
“Nếu tôi bị than phiền cũng không sao. Điều quan trọng là sự an toàn của anh,” ông nói.
Tôi nghĩ là mình đã há hốc miệng vì quá ngạc nhiên. Tôi đã cố gắng một lần nữa thuyết phục ông ấy trở lại xe nhưng ông vẫn đứng đó. Khi đèn chuyển qua xanh, ông ấy đã hộ tống tôi đến bến đỗ xe. Tôi cảm ơn ông ấy và ông ấy cuối cùng cũng qua đường và trở về xe buýt của mình.
Khi chuyến xe buýt tiếp theo dừng lại, tôi vừa định nói với người lái xe là cho tôi xuống ở bến 22 thì anh ta nói.
“Lên xe đi, tôi sẽ đưa anh đến bến 22.”
Lần này tôi ngồi gần người tài xế.
“Làm sao anh biết tôi đi đến bến số 22?” tôi hỏi.
“Người lái xe buýt mà anh vừa xuống đã điện đàm cho tôi. Ông ấy bảo anh bị lỡ bến xe của mình nhờ tôi đảm bảo anh sẽ quay về đấy một cách ổn thỏa.”
Tôi từng gặp phải nhiều tình huống như thế này trước đây khi đi lại tại các thành phố của Indonesia. Những người lái xe hay phụ lái quên không cho tôi đến địa điểm cần xuống. Đôi khi họ sẽ thả tôi xuống một chỗ tôi không biết và bảo tôi sang đường lên chuyến xe đi ngược lại mà không có sự giúp đỡ nào hết.
Tôi cũng nghe những khách hàng khác nói nhưng câu như: Tại anh đi một mình ngay từ ban đầu đấy? Sao anh không đi cùng với ai đấy? Tại sao anh lại dám đi lại một mình? Trong nhà anh không có ai đi giúp anh được à?
Tôi đã quen với những điều như thế. Thỉnh thoảng cũng có những tài xế giúp tôi qua đường trước khi tiếp tục chuyến đi của mình. Tình huống như thế này để lại một dấu ấn lớn trong tim tôi. Nó giúp tôi tôn trọng những người phương Tây hơn, những người thường được xem là rất độc lập và không quan tâm đến người khác.
::Jaka Ahmad
Jaka Ahmad, được biết đến với tên gọi "Jack", hiện theo học ngành công tác xã hội tại Đại học Flinder, Nam Úc. Anh là một trong những người vận động lâu năm cho việc cải thiện hệ thống giao thông ở Indonesia tốt hơn cho những người tàn tật.

Nguồn abc.net


2 comments:

  1. Thật khâm phục những tài xế làm việc với tinh thần trách nhiệm cao...

    ReplyDelete
  2. Chúng ta may mắn sống trên nước Úc , một xứ sở hiền lành, người dân thân thiện và cuộc sống văn minh cao. Quả là điều hảnh diện khi là công dân Úc

    ReplyDelete