:: Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc
Ngày Father’s Day mỗi nước một khác.
Ở Mỹ cũng như nhiều nước khác (kể
cả Việt Nam), ngày Father’s Day được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng
Sáu; ở Úc, cũng như New Zealand, người ta tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên
của tháng Chín (như vậy, năm nay sẽ rơi vào ngày 7/9).
***
Những năm gần đây, không hiểu sao, tôi lại hay nhớ đến ba mẹ tôi. Mẹ tôi
qua đời đã hơn 10 năm rồi. Ba tôi vẫn ở Việt Nam với gia đình đứa em út. Nỗi
nhớ người mất khác nỗi nhớ người còn sống. Nhớ người đã mất, buồn thì có buồn,
nhưng chỉ là một nỗi buồn an phận, nhẹ nhàng và hiu hắt; nhớ người còn sống, ở
xa và không có hy vọng gì gặp lại được, ngược lại, có lúc thấy như xót xa, cồn
cào, lòng cứ chùng xuống. Nặng trĩu.
Ba tôi sinh năm 1920, nếu tính theo tuổi ta, như cách ông thường tính,
năm nay đã 95. Từ đầu năm 2005, tôi chưa gặp ba tôi lần nào cả. Nhớ ba, tôi chỉ
còn một cách duy nhất: điện thoại. Nhưng ba tôi lại nặng tai, và càng ngày càng
nặng tai. Có lúc nghe được, có lúc không. Nhiều khi, ở Úc, tôi nói chuyện như
gào thét, ba tôi vẫn hử hử, không nghe gì cả. Tội nghiệp nhất là nhiều lúc,
không nghe được, nhưng ông vẫn thích nói, thích bày tỏ tình cảm với đứa con
trai ở xa. Nhiều nhất là câu “Ba nhớ con lắm.” Rồi nghẹn. Có khi, sau câu nói
ấy, ông đọc câu ca dao “Nhỏ thì nhớ mẹ, nhớ cha / Lớn lên nhớ vợ, về già nhớ
con.” Rồi lại nghẹn.
Mỗi lần nghe như thế, tôi vừa cảm động lại vừa ngạc nhiên. Bình thường,
ba tôi ít nói, thậm chí, vụng nói. Ông hiếm khi bày tỏ tình cảm với con cái
bằng lời. Anh em chúng tôi biết ba thương mình chủ yếu qua sự chăm sóc hay cách
nhường nhịn thức ăn trên bàn cũng như qua ánh mắt hiền lành và triều mến của
ông. Chứ không phải qua ngôn ngữ. Chỉ mấy năm gần đây, sau khi tôi bị cấm về
Việt Nam, không còn cơ hội gặp nhau nữa, qua điện thoại, ông mới nói những câu
như “Ba nhớ con lắm” như thế. Tôi biết, nói thế, trong lòng ông không những chỉ
có tình thương mà còn có cả sự tuyệt vọng.
Nhớ, cuối năm 2005, khi dẫn một nhóm sinh viên Úc về Việt Nam nghiên
cứu, lúc máy bay mới hạ cánh, tôi đã gọi điện thoại ngay cho ba tôi, bảo tôi đã
đến Tân Sơn Nhất và đang chờ chuyển máy bay ra Hà Nội; khoảng ba tuần sau sẽ
vào Sài Gòn và sẽ gặp ba. Ba tôi mừng lắm, nói tíu tít. Khoảng một tiếng sau,
tôi gọi lại, bảo tôi bị cấm nhập cảnh và phải quay lại Úc ngay, ba tôi, thoạt
đầu, ngạc nhiên, sau, giận dữ, và cuối cùng, khuyên tôi như lúc tôi còn nhỏ
dại: “Con thử năn nỉ mấy ổng xem sao. Con nói con đâu có làm chính trị. Ông
Nguyễn Cao Kỳ mà còn về Việt Nam được mà! Con lại nói với mấy ổng đi!”
Ba tôi thuộc loại đàn ông hiền lành và chất phác. Cả đời, ông cần cù đi
làm để nuôi gia đình chứ không biết gì về đời sống xã hội cả. Trong các buổi
họp mặt bạn bè trong nhà, đụng đến đề tài chính trị, người nói nhiều, có kiến
thức và có chủ kiến nhất, nói năng mạch lạc và hùng hồn nhất, là mẹ tôi chứ
không phải ba tôi. Dường như cả đời ba tôi cảm thấy hạnh phúc trong việc tự lùi
ra phía sau để mẹ tôi đương đầu với xã hội bên ngoài. Tôi hiếm thấy người nào
phục vợ như ông. Lúc mẹ tôi còn sống, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, ông
đều giao hết cho mẹ tôi quyết định. Ở nhà tôi, mỗi lần có ai khen ngợi con cái
về chuyện này chuyện nọ, bao giờ ông cũng nói: “Tụi nó giống mẹ!” Hiền lành và
chất phác như thế, tôi có cảm tưởng, cho đến nay, ông vẫn không hiểu được tại
sao tôi lại bị cấm về Việt Nam. Ông vẫn tin tưởng một ngày nào đó mấy “ổng” sẽ
nghĩ lại. Và tôi sẽ lại được về nước. Bố con tôi sẽ được gặp nhau.
Tôi thì tôi biết đó chỉ là một ảo tưởng. Bởi thế, mỗi lần nghĩ đến ba,
người tôi sẽ không bao giờ gặp lại được – dù chỉ cách có tám giờ bay, lòng tôi
bao giờ cũng se thắt lại. Trước, tôi ít quan tâm đến tuổi tác của người thân
trong gia đình. Tôi cứ tưởng mọi người dù sao cũng sống với nhau mãi. Đến lúc,
cách đây 14 năm, bất ngờ nhận được tin từ Việt Nam là mẹ tôi đã qua đời sau một
cơn tai biến mạch máu não, tôi mới bàng hoàng thấy sự sống thật mong manh.
Những người thân ở bên mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nhất là những người,
như ba tôi, đã 95 tuổi, vượt quá cái mốc “cổ lai hy” đến hơn hai chục năm. Bởi
vậy, lần nào nói chuyện với ba tôi – nếu nói chuyện được – bao giờ tôi cũng có
cảm giác đó là lần cuối cùng.
Cái cảm giác ấy vừa buồn rầu vừa xót xa. Cộng thêm ý nghĩ mình sẽ không
về được, dù để chỉ chào lần cuối, nó trở thành một cảm giác vừa áy náy lại vừa
uất ức. Những cảm giác ấy cứ dày vò tôi mãi. Trong sự dày vò ấy, hình ảnh của
ba tôi không phải chỉ là một nỗi nhớ. Mà là một ám ảnh.
Ám ảnh đến nghẹn ngào.
Liên quan đến chuyện tình cảm, có điều này tôi mới nhận ra: nhân loại,
từ xưa đến nay, vẫn trọng lý hơn tình. Về lý, người ta muốn đi đến tận cùng.
Càng xa càng tốt. Về tình, người ta hay đặt ra những hàng rào và những cột mốc.
Yêu vợ/chồng hay tình nhân quá, người ta có thể bị chê cười. Yêu con cái quá,
người ta cũng có thể bị trách móc. Với cả hai loại tình cảm ấy, mọi người, một
cách có ý thức hay từ trong vô thức, đều muốn có một chút giới hạn nào đó. (Sực
nhớ câu thơ của Tố Hữu khi nhắc đến chuyện Mỵ Châu và Trọng Thủy: “Trái tim lầm
chỗ để trên đầu.”) Chỉ với tình yêu dành cho bố mẹ là không ai nói đến các giới
hạn. Không ai bị chê trách là yêu bố mẹ quá mức. Mà thật ra, có lẽ không ai
nghĩ là mình yêu bố mẹ quá mức, thậm chí, đúng mức. Bao giờ trong tình thương
dành cho bố mẹ cũng thấp thoáng có chút gì như ân hận: mình chưa làm hết những
gì mình cần làm. Có một món nợ nào đó chưa trả. Có một bổn phận nào đó chưa
hoàn tất.
Gắn liền với ân hận, tình thương trở thành một sự day dứt. Cũng nặng
trĩu như nỗi nhớ.
***
PHOTO: HÌNH BA TÔI DO PHƯƠNG QUỐC
TRÍ VẼ.
Bài viết hay buồn cảm động, dù sao cũng vẫn hạnh phúc khi còn nghe cha mình nói chuyện , bởi đã từ lâu tôi chỉ ao ước nghe ba tôi nói vài câu rầy la tôi thế mà cũng không thể được nữa rồi .....
ReplyDeleteMỗi người đều có những tình huống khác nhau, nhưng đều nghĩ và nhớ đến CHA. Người thì đã mất cha, người còn cha nhưng không thể có cơ hội gần gủi...Thật tội.!
ReplyDelete